Bước ngoặt khó ngờ của CEO Telegram trong biến cố tại Pháp
Pavel Durov có thể tận dụng các cáo buộc tại Pháp để củng cố hình ảnh của một 'anh hùng' dám bảo vệ nguyên tắc của bản thân trước áp lực từ giới cầm quyền.
Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp, Pavel Durov - nhà sáng lập VKontakte và Telegram - luôn muốn hạn chế kiểm duyệt và ảnh hưởng từ giới chức trách với các nền tảng của mình. Dù vậy, mong muốn này khiến ông gặp phải vấn đề pháp lý.
Hôm 28/8, một tòa án tại Paris cáo buộc Durov là đồng phạm với các vi phạm trên ứng dụng Telegram, bao gồm phát tán ảnh lạm dụng tình dục trẻ em. Trước đó, ông đã bị cảnh sát Pháp bắt giữ, nhưng được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 5 triệu euro (khoảng 5,53 triệu USD).
Dù vậy, ông đã phải nộp lại ba hộ chiếu - của Pháp, Saint Kitts & Nevis và Nga - cho cơ quan chức năng pháp. Đây được coi như động thái “trói cánh” vị doanh nhân có thói quen hiếm khi ở quá lâu tại một địa điểm.
Kể từ khi ra mắt Telegram năm 2014, Durov đã quảng bá ứng dụng này sẽ trung lập về chính trị, không bị các chính phủ kiểm soát và là “thiên đường” của quyền tự do ngôn luận. Trong nhiều năm, ông bỏ ngoài tai mọi lời chỉ trích rằng Telegram bị giới tội phạm và khủng bố tận dụng, cũng như xu hướng tăng kiểm soát các nền tảng công nghệ của hàng loạt chính phủ.
“Dường như ông ấy tự đánh giá bản thân quá cao. Durov tin rằng ông có quyền tự do không bị kiểm soát và ông quan trọng tới mức không thể bị bắt. Tuy nhiên, nước Pháp không nghĩ như vậy”, nhà báo người Nga Nikolai Kononov, một trong những phóng viên hiếm hoi từng nhiều lần có cơ hội nói chuyện với Durov và từng viết tiểu sử cho vị tỷ phú Nga, nói với Guardian.
Thành công kép
Sinh năm 1984, Durov lớn lên trong một gia đình trí thức tại St. Petersburg. Từ nhỏ, ông đã được gửi đi học tại một trường cấp ba danh giá nhưng cũng sớm bộc lộ xu hướng nổi loạn, ông Kononov cho biết.
Khi học lập trình, Durov xâm nhập hệ thống để chiếu hình ảnh giáo viên cùng dòng chữ “Phải chết” lên tất cả máy tính trong lớp học. Hậu quả là ông bị cấm vào phòng máy tính trong một tháng.
Cậu thiếu niên Durov phần nào thiếu kỹ năng xã hội nhưng rất tự tin vào bản thân. Trong một buổi thảo luận về nghề nghiệp tương lai, Durov tuyên bố bản thân muốn trở thành “nhà tiên tri Internet”.
Đến thời đại học, Durov - người được coi là một thiên tài máy tính - được hai người bạn giới thiệu về Facebook, khi đó còn đang trong giai đoạn sơ khai. Nhóm bạn quyết định xây dựng một phiên bản gần tương đồng dành cho người Nga.
Để hiện thực hóa tầm nhìn của mình, Durov nhờ sự giúp đỡ của anh trai, Nikolai, một thần đồng toán học từng ba lần liên tiếp đoạt huy chương vàng tại Olympic Toán Quốc tế (IMO). Nikolai Durov sau này được coi là bộ não đằng sau cả VKontakte và Telegram.
Do không vấp phải cạnh tranh từ thị trường nội địa, VKontakte sớm trở thành nền tảng mạng xã hội hàng đầu tại Nga nói riêng và các quốc gia hậu Xô Viết nói chung.
VKontakte cung cấp trải nghiệm người dùng tương tự Facebook nhưng được thiết kế đặc biệt để phù hợp với nhóm người dùng nói tiếng Nga. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của VKontakte phần nào đến từ việc nền tảng này cho phép người dùng chia sẻ nhạc lậu, phim lậu và nội dung khiêu dâm.
Durov duy trì cam kết trung lập ngay cả khi chịu sức ép từ giới chức trách.
Tuy nhiên, Durov dần mất quyền kiểm soát VKontakte vào tay các nhà đầu tư quyền lực. Ông sau đó quyết định rời Nga.
Theo các đồng nghiệp, Durov nghĩ ra ý tưởng về Telegram khi tìm cách trao đổi an toàn với các đồng nghiệp. Khác với các ứng dụng trước đó, Telegram cho phép thành lập các nhóm trò chuyện quy mô lớn, khiến việc tổ chức các cộng đồng trở nên dễ dàng hơn.
Các “kênh” của Telegram cho phép người dùng chia sẻ thông tin nhanh chóng tới số lượng lớn người - điều mà các nền tảng nhắn tin khác không làm được. Telegram đã thành công khi kết hợp khả năng tiếp cận tức thời của Twitter/X và sự cụ thể của các bản tin email.
Dù vậy, Telegram cũng trở thành nơi thu hút nhiều nhân vật cực đoan, truyền bá thuyết âm mưu, thậm chí là những kẻ lạm dụng trẻ em, băng đảng ma túy và khủng bố.
Thành công của Telegram - ứng dụng có gần một tỷ người dùng - thể hiện Durov không chỉ là doanh nhân sao chép sản phẩm của người khác.
“Nếu như VKontakte đặt ra câu hỏi liệu thành công của Durov đến từ chính khả năng của ông ấy hay đây chỉ là phiên bản của Facebook, Telegram rõ ràng là đột phá công nghệ ở quy mô toàn cầu”, ông Pavel Cherkashin, một nhà đầu tư mạo hiểm từng làm việc với Durov, nói.
Thiên tài lập dị
Giữa lúc Telegram dần trở thành một ông lớn công nghệ, Durov cũng tạo dựng danh tiếng là một nhân vật lập dị và độc đoán. Ông ám ảnh với bộ phim “The Matrix” và bắt đầu ăn mặc giống với nhân vật Neo (do Keanu Reeves thủ vai) - một lập trình viên mang theo một sứ mệnh.
Dù Durov thường được gọi là “Zuckerberg của nước Nga”, ông Kononov cho biết Durov lấy cảm hứng từ Steve Jobs nhiều hơn. “Giống như Jobs, Durov tự coi mình là người có tầm nhìn độc đoán, thúc đẩy nhân viên tới mức cực đoan”, ông nhận xét.
Khác với Mark Zuckerberg hay Elon Musk, Durov không bị dư luận soi mói kỹ lưỡng nhất cử nhất động. Tuy nhiên, các chính phủ từ lâu đã muốn theo dõi và có được sự ủng hộ của Durov.
Số điện thoại của Durov nằm trong danh sách bị phần mềm gián điệp Pegasus theo dõi, Guardian đưa tin. Trong khi đó, Wall Street Journal hồi đầu tuần này cho biết Durov bị tình báo Pháp và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hack hồi năm 2017.
Bất chấp điều đó, Durov vẫn nhiều lần ăn tối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Macron thậm chí đề nghị Durov chuyển hoạt động của công ty tới Pháp.
“Durov cảm thấy ông được đối xử tôn trọng tại Pháp. Tôi không nghĩ ông ấy lường trước được khả năng bị bắt”, một nguồn tin thân cận với Durov tiết lộ.
Theo Le Monde, ông Macron và Durov từng gặp nhau nhiều lần trước khi nhà sáng lập Telegram có quốc tịch Pháp năm 2021. Đề nghị này được Durov đưa ra trong một bữa trưa năm 2018, Le Monde tiết lộ, cho biết thêm rằng thông tin này đã được Điện Élyseé khẳng định. Cũng trong bữa trưa này, khả năng Telegram đặt trụ sở tại Pháp cũng được đề cập.
Sau khi Durov bị tạm giam, nhiều câu hỏi được đặt ra về thời điểm và hoàn cảnh của vụ bắt giữ, đặc biệt là liệu ông có biết Pháp đã ra lệnh bắt mình hay không. Một số người cho rằng Durov muốn đến Paris để giải quyết các vướng mắc pháp lý, trong khi những người ủng hộ ông đặt nghi vấn liệu ông có bao giờ tự nguyện “nộp mình” hay không.
Dù vậy, đa số tin rằng Durov sẽ coi đây là chương tiếp theo trong cuộc đối đầu giữa ông và các nhà cầm quyền.
“Ngay từ buổi đầu sự nghiệp, Durov luôn vươn lên mạnh mẽ hơn sau bất cứ đòn tấn công nào nằm vào ông, qua đó ngày càng củng cố hình ảnh của một 'người hùng' chống lại giới cầm quyền”, ông Kononov nói.