Bước đi quyết liệt nâng cao năng lực tấn công chiến lược của Liên bang Nga
Kế hoạch sản xuất tới 633 tên lửa hành trình phóng từ máy bay Kh-101 trong năm 2025 của Moskva (Moscow) cho thấy Liên bang Nga đang chuẩn bị để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine hoặc mở rộng phạm vi tấn công.

Tên lửa hành trình Kh-101được thiết kế để né tránh radar và tấn công các mục tiêu có giá trị cao với đầu đạn nặng 450 kg. Ảnh: Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.
Ngày 8/5, một cuộc điều tra do kênh Channel 24 công bố tiết lộ rằng Liên bang Nga dự định sản xuất tới 633 tên lửa hành trình phóng từ máy bay Kh-101 trước khi kết thúc năm nay, đánh dấu một bước ngoặt trong quy mô năng lực tấn công tầm xa của nước này. Kênh thông tin Euromaidan Press cho hay mục tiêu của kế hoạch sản xuất trên nằm trong nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất do Tập đoàn Vũ khí Tên lửa Chiến thuật (KTRV) dẫn đầu,.
Theo chuyên trang quân sự ảmmyrecognition.com ngày 12/5, tên lửa Kh-101 - một loại tên lửa hành trình dẫn đường chính xác, được triển khai từ các máy bay ném bom chiến lược như Tu-95MS và Tu-160 - đang giữ vai trò trung tâm trong chiến lược quân sự đang thay đổi của Liên bang Nga tại Ukraine và có thể vượt ra ngoài khu vực này. Đợt gia tăng sản xuất này được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất liên tục 24/7 và lách lệnh trừng phạt thông qua nhập khẩu linh kiện từ các nguồn thay thế, cho thấy Moskva có ý định duy trì hoặc leo thang chiến sự tại Ukraine, thậm chí xa hơn là chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lớn hơn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các nhà phân tích phương Tây thậm chí cảnh báo rằng sự tích lũy tên lửa này có thể là dấu hiệu của sự chuẩn bị tấn công dọc biên giới Baltic, nơi thái độ quân sự của Liên bang Nga đang ngày càng trở nên cứng rắn.
Con số 633 quả tên lửa Kh-101 được công bố cho năm 2025 thể hiện mức tăng trưởng vượt bậc hơn 1.000% so với chỉ 56 quả được sản xuất vào năm 2021. Sự bùng nổ này được phối hợp thông qua nền công nghiệp quốc phòng của Liên bang Nga và được giám sát bởi TRV-Engineering, một công ty con của KTRV. Kết quả có được nhờ các nhà máy vận hành theo ba ca mỗi ngày và nguồn cung linh kiện có thể là thông qua các tuyến buôn lậu.
Mặc dù vẫn còn lo ngại về chất lượng và độ tin cậy của một số đơn vị tên lửa, nhưng số lượng khổng lồ được sản xuất cho thấy Liên bang Nga đang chuẩn bị để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine hoặc có thể là mở rộng phạm vi tấn công sâu hơn vào châu Âu. Tên lửa hành trình Kh-101 được phóng từ các máy bay ném bom hạng nặng Tu-95MS và Tu-160, mỗi chiếc có khả năng mang nhiều tên lửa trong một lần xuất kích, mang lại cho Moskva một công cụ tấn công linh hoạt và tầm xa từ không phận của chính mình.
Ban đầu, Kh-101 được phát triển để thay thế tên lửa Kh-55 đã lỗi thời, với quá trình thiết kế bắt đầu từ cuối những năm 1990 và tăng tốc trong những năm 2000 như một phần của mục tiêu tái vũ trang Liên bang Nga. Tên lửa Kh-101 được sử dụng lần đầu tiên trong chiến dịch tại Syria và được mở rộng mạnh mẽ trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Liên bang Nga ở Ukraine. Kh-101 tích hợp các công nghệ tàng hình, hồ sơ bay bám địa hình, và hệ thống định vị vệ tinh GLONASS cải tiến, cho phép né tránh radar và tấn công chính xác các mục tiêu có giá trị cao với đầu đạn nặng 450 kg. Các phiên bản gần đây đã bổ sung đầu đạn kép (tandem) nhằm tăng mức độ hủy diệt.
Về mặt chiến lược, tên lửa này được thiết kế để phóng từ cự ly xa lên tới 5.500 km, ngoài tầm với của hầu hết các hệ thống phòng không, từ đó tấn công mục tiêu mà không cần đưa phi công và máy bay vào vùng nguy hiểm.
Tác động của việc gia tăng sản xuất này là rất sâu rộng. Liên bang Nga có thể sử dụng tên lửa này không chỉ để đạt được lợi thế chiến thuật ngay lập tức, mà còn như một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm bão hòa hệ thống phòng không của Ukraine và các quốc gia đồng minh NATO. Việc phóng tên lửa Kh-101 từ các máy bay ném bom chiến lược ở độ cao lớn cho phép linh hoạt tấn công cơ sở hạ tầng, trung tâm hậu cần và các nút phòng không từ cự ly an toàn, khiến cho việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn.
Một chiến thuật hợp lý mà Liên bang Nga có thể áp dụng là dùng tên lửa Kh-101 làm “mồi nhử” để làm cạn kiệt kho tên lửa đánh chặn của Ukraine, từ đó tạo điều kiện cho các đợt tấn công tiếp theo bằng tên lửa Iskander hoặc Kalibr. Chiến thuật bão hòa này có thể làm suy yếu khả năng kiểm soát không phận của Ukraine và tạm thời tạo ra ưu thế trên không cục bộ cho Liên bang Nga tại một số khu vực.
Trong các cuộc giao tranh trước đó, phòng không Ukraine từng đạt được một số thành công, ví dụ như trong cuộc tấn công lớn ngày 29/12/2023, lực lượng Ukraine đã bắn hạ 87 trong số 108 tên lửa Kh-101. Tuy nhiên, khả năng duy trì tỷ lệ đánh chặn cao như vậy phụ thuộc vào viện trợ phương Tây, đặc biệt là các hệ thống tiên tiến như Patriot và IRIS-T.
So với các hệ thống như tên lửa Kalibr (phóng từ tàu) hay tên lửa Iskander (phóng từ mặt đất), Kh-101 với khả năng triển khai từ trên không mở rộng đáng kể năng lực tấn công đa miền (multi-domain) của Liên bang Nga. Mỗi quả Kh-101 có giá thành ước tính từ 10 đến 13 triệu USD, khiến kế hoạch sản xuất trong năm 2025 trở thành một khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD, thể hiện rõ ưu tiên của Liên bang Nga đối với chiến tranh tấn công tầm xa mang tính chiến lược.
Kế hoạch sản xuất hàng loạt 633 tên lửa hành trình Kh-101 trong năm 2025 dưới sự chỉ đạo của KTRV phản ánh một bước mở rộng quyết liệt năng lực tấn công chiến lược của Liên bang Nga. Ngoài Ukraine, sự phát triển này có thể hàm chứa những tham vọng địa chính trị rộng lớn hơn, đặc biệt là gần sườn phía Đông của NATO. Armyrecognition.con cho rằng phương Tây cần theo dõi chặt chẽ sự leo thang này, vì khả năng phóng hàng loạt tên lửa hành trình tàng hình tầm xa từ không phận an toàn đang đặt ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với an ninh khu vực và kế hoạch phòng thủ chung.