Bước đi phát triển bền vững, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là bước đi quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng trong giai đoạn mới. Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Tiến sĩ Lê Đức Anh, đã đưa ra khẳng định trên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Tokyo.

Tiến sĩ Lê Đức Anh. Ảnh: Xuân Giao/TTXVN

Tiến sĩ Lê Đức Anh. Ảnh: Xuân Giao/TTXVN

Theo Tiến sĩ Lê Đức Anh, Nghị quyết 57-NQ/TW có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Nghị quyết xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, giúp Việt Nam thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên.
Tiến sĩ Lê Đức Anh chỉ ra một số ngành có tiềm năng đột phá nếu Việt Nam đầu tư chiến lược và tận dụng công nghệ hiệu quả như công nghệ thông tin và chuyển đổi số; công nghệ sản xuất và chế tạo, công nghệ bán dẫn; công nghệ sinh học và y tế; năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao. Ông lấy dẫn chứng Nhật Bản là nước đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), giáo dục, theo đó dành hơn 3% GDP cho R&D, tập trung vào công nghệ cao, AI, robot, sinh học. Các quỹ đầu tư được dàn trải đồng đều cho các ngành nghiên cứu từ cơ bản đến ứng dụng. Nhiều quỹ nghiên cứu thúc đẩy việc hợp tác giữa trường/viện nghiên cứu và doanh nghiệp, các viện nghiên cứu tiên tiến quốc gia về khoa học công nghệ mang tính ứng dụng cao, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người Nhật luôn có tư duy Kaizen – Cải tiến liên tục, cải tiến từng bước nhỏ để tối ưu hóa quy trình và nâng cao chất lượng sản phẩm. Không chỉ vậy, Nhật Bản còn có nhiều chính sách ưu đãi giúp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực công nghệ.

Đề cập tới việc thúc đẩy liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp, Tiến sĩ Lê Đức Anh cho rằng Việt Nam cần có chính sách tài chính, pháp lý rõ ràng, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Việt Nam cần thúc đẩy cơ chế tài chính và chính sách hỗ trợ, theo đó, nhà nước cần tăng đầu tư vào R&D, tạo quỹ hỗ trợ nghiên cứu và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ. Các nguồn quỹ cho phát triển khoa học kỹ thuật có thể chia theo mức độ cơ bản- ứng dụng khác nhau, trong đó các nghiên cứu ứng dụng khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia, cũng như cần xây dựng cơ chế đặt hàng nghiên cứu trong một số lĩnh vực quan trọng từ doanh nghiệp và chính phủ đến các viện/trường đại học để ứng dụng thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tài trợ, hợp tác nghiên cứu với trường đại học, hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng "vườn ươm" khởi nghiệp, hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nhà nước cũng cần đóng vai trò định hướng, đầu tư ban đầu, doanh nghiệp đầu tư phát triển và thương mại hóa trong mô hình hợp tác công – tư, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và phát triển. Một cơ chế quan trọng khác là bảo vệ sở hữu trí tuệ và chia sẻ lợi ích, theo đó cần cải thiện hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ, giúp nhà khoa học an tâm chuyển giao công nghệ, quy định rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm của từng bên khi hợp tác nghiên cứu. Tiến sĩ Lê Đức Anh cũng cho rằng Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hình thành các khu công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu ứng dụng với hạt nhân là các trường đại học lớn, kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp, tăng cường đào tạo nhân lực, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.

Chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số ở Nhật Bản, Tiến sĩ Lê Đức Anh cho biết Nhật Bản luôn chú trọng đào tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) từ cấp phổ thông, với nhiều hoạt động phong phú và được đầu tư. Sinh viên tại các trường đại học lớn được đào tạo bài bản và phát triển bản thân tại các lab nghiên cứu, qua đó tạo nên chương trình đào tạo thực tiễn, giúp sinh viên sẵn sàng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Chính phủ Nhật Bản có chính sách thu hút và phát triển nhân tài rất bài bản, theo đó hỗ trợ mạnh mẽ học bổng, nghiên cứu sinh, thu hút nhân tài trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp có chương trình đào tạo nội bộ, trao đổi nhân sự với nước ngoài để nâng cao kỹ năng. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn khuyến khích học tập suốt đời, thúc đẩy reskilling (đào tạo lại) và upskilling (nâng cao kỹ năng), giúp lao động thích nghi với công nghệ mới. Các công ty lớn như Toyota, Sony có chương trình đào tạo liên tục về AI, IoT, blockchain cho nhân viên. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn chú trọng hỗ trợ quỹ nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu. Các tập đoàn lớn tài trợ phòng thí nghiệm, chương trình nghiên cứu để sinh viên tiếp cận công nghệ mới.

Do đó, để có thể tận dụng nguồn lực con người, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào đào tạo nhân lực chất lượng cao và liên kết doanh nghiệp – viện nghiên cứu, tạo điều kiện cho các sinh viên sau đại học và đại học tham gia quá trình nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ tạo tiền đề cho đổi mới sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần học hỏi và áp dụng công nghệ nước ngoài vào sản xuất, y tế, năng lượng, AI, IoT, robotic; đưa tư duy Kaizen (cải tiến liên tục), Monozukuri (sản xuất tinh gọn) vào doanh nghiệp Việt Nam. Các cơ sở giáo dục cũng cần giảng dạy, định hướng cho sinh viên Việt Nam về công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy trao đổi nhân lực giữa Việt Nam – Nhật Bản, hỗ trợ người Việt tiếp cận môi trường học tập và làm việc tại Nhật. Hiện tại, đội ngũ trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cũng đang nỗ lực kết nối các nguồn lực nhằm xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các ngành chiến lược như bán dẫn và AI.

Hiện nay, có một lượng lớn trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, đặc biệt tại Nhật Bản có thể đóng góp nhiều cho công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam. Để thu hút nguồn nhân lực này, Việt Nam cần tạo cơ hội, chính sách hấp dẫn và môi trường làm việc tốt để trí thức trẻ tại Nhật có thể cống hiến hiệu quả cho đất nước. Theo đó, cần có cơ chế hợp tác linh hoạt, tạo điều kiện để trí thức tham gia dự án trong nước mà không cần về toàn thời gian, khuyến khích nghiên cứu, hỗ trợ quỹ khoa học, startup, tạo môi trường làm việc hấp dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hỗ trợ cả về cơ chế và nguồn kinh phí cho việc thành lập diễn đàn khoa học – công nghệ, kết nối chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản với trong nước, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ, chuyển giao tri thức.

Nguyễn Tuyến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/buoc-di-phat-trien-ben-vung-hien-dai-hoa-va-hoi-nhap-sau-rong-20250328141202299.htm
Zalo