Bước chân không mỏi mệt của người làm báo tuyên truyền về bảo vệ môi trường

Không chỉ tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật về môi trường, các cơ quan báo chí còn phản ánh trực diện vấn đề môi trường nhìn từ thực tế đời sống. Qua đó nắm bắt các ý kiến của người dân, chính quyền địa phương phản hồi cho cơ quan quản lý để thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật.

Những vùng đất cằn khô vì hạn hán thiếu nước, những khu vực biển lềnh bềnh rác thải nhựa, rác chất cao như núi, những mỏ đá bị khai thác sâu hoắm…đó là hàng loạt những hình ảnh của lĩnh vực môi trường được người làm báo ghi lại. Thông tin về môi trường được phản ánh kịp thời, trung thực trên các trang báo, các kênh truyền hình. Dần dần báo chí truyền thông luôn là người bạn đồng hành không thể thiếu của lĩnh vực môi trường.

 Các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ảnh minh họa

Các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ảnh minh họa

Nhắc đến lĩnh vực môi trường là liên quan đến đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu...Các lĩnh vực này đều gắn chặt với thực tiễn đời sống người dân và điều này cũng mở ra không gian rộng lớn cho các phóng viên, biên tập viên, thể hiện ngòi bút của mình. Đã có biết bao bước chân không mỏi, bàn tay miệt mài, tâm trí của người làm báo trọn vẹn với lĩnh vực môi trường, hàng ngày hàng giờ lặng thầm gắn bó với nghề.

Nhà báo Hà Phương - Báo Pháp luật Việt Nam cho biết: Công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật về lĩnh vực môi trường là những vấn đề quan trọng nhất mà chúng tôi đặc biệt quan tâm. Ví dụ như là thời gian vừa qua chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để có thể tuyên truyền Luật Đất đai 2024, tuyên truyền về việc triển khai các điểm mới quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định trong Luật Tài nguyên nước 2023…

Nhà báo Hà Phương chia sẻ thêm: “Chúng tôi luôn cố gắng truyền thông thật tốt để cả người dân, doanh nghiệp cũng như các địa phương hiểu hơn về tầm quan trọng của những quy định này. Cũng qua các buổi làm việc đó chúng tôi được lắng nghe những ý kiến từ thực tiễn để phản hồi cho các cơ quan quản lý cấp tỉnh, cấp trung ương thực hiện tốt hơn, để chính sách pháp luật đi nhanh vào cuộc sống”.

Không chỉ tích cực tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, nhiều các phóng viên còn phản ánh trực diện những vấn đề về môi trường từ thực tế đời sống. Những trang báo, những bài viết ra đời là biết bao tâm huyết, gói trọn trong đó cả những suy tư, trăn trở với môi trường, cuộc sống. Mỗi thông tin, bài báo là thông điệp của tình yêu và sự nỗ lực, tận tụy hết mình vì tình yêu ấy.

Nhà báo Anh Thu - Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: Nói về môi trường thì cảm giác đầu tiên của mọi người nghĩ rằng nó là một lĩnh vực khô khan nhưng hoàn toàn không phải thế. Tất cả mọi thứ ở chung quanh chúng ta đều là môi trường, đến cái hơi thở của chúng ta thở ra nó cũng là môi trường. Mỗi một bước chân con người ta bước đi cũng là môi trường. Chính vì thế cho nên tôi nghĩ rằng là khám phá và khai thác lĩnh vực này chính là khai thác thông tin từ vũ trụ cho đến chính bản thân mỗi con người mình.

 Nhà báo Anh Thu và các đồng nghiệp tác nghiệp về việc phục hồi môi trường tại các bãi thải mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lê Tâm

Nhà báo Anh Thu và các đồng nghiệp tác nghiệp về việc phục hồi môi trường tại các bãi thải mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lê Tâm

Phóng viên theo dõi lĩnh vực môi trường thường có những chuyến đi xa, lênh đênh ngoài biển cả, đi để thấy quý giá vô cùng mảnh đất máu thịt của tổ quốc nơi biển khơi. Đi để thấy ở nhiều vùng biển đảo, người dân đã làm rất tốt công tác bảo vệ môi trường, như nhặt rác ở ven biển, thực hiện phân loại rác tại nguồn, nói không với rác thải nhựa, túi ni lông…

“Tôi nghĩ rằng, với các phóng viên theo dõi môi trường thì hành trình tác nghiệp của mình luôn luôn gắn liền với việc đi, đi để chúng ta tìm hiểu các thông tin kiến thức, để gặp gỡ những con người mới, những vùng đất mới, để biết thêm những câu chuyện và thể hiện điều đó trong các tác phẩm báo chí của mình”, nhà báo Anh Thu chia sẻ.

Không chỉ hoạt động độc lập, nhiều cơ quan báo chí còn chủ động kết nối với các nhà báo, phóng viên ở các cơ quan thông tấn báo chí khác, hình thành nên câu lạc bộ báo chí về môi trường, những nhà báo tuyên truyền về phát triển xanh, thực hiện thị trường tín chỉ carbon - đường đến Net Zero…

Những câu lạc bộ, hội nhóm này dần là địa chỉ, một không gian để hội viên và những người làm báo trên cả nước cùng nhau trao đổi, cùng nhau chia sẻ kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Được cung cấp thông tin khách quan, trung thực khi viết về ngành tài nguyên và môi trường, về những vấn đề kinh tế xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hoạt động của những nhà báo môi trường ngày càng nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của đơn vị quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương. Từ đó, tất cả cùng chung tay vì một môi trường xanh của đất nước.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/buoc-chan-khong-moi-met-cua-nguoi-lam-bao-tuyen-truyen-ve-bao-ve-moi-truong-post340610.html
Zalo