Quảng bá du lịch gắn với văn hóa Trà trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên

Để phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa Trà và tuyến giao thông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, chiều 1/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tại Hà Nội năm 2025.

Sự kiện nhằm đẩy mạnh giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, nét văn hóa, ẩm thực độc đáo của tỉnh Thái Nguyên; đồng thời, tăng cường xúc tiến hợp tác, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Với vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50 km, Thái Nguyên sở hữu hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.

Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, sở hữu hơn 1.000 di tích, trong đó 313 di tích được xếp hạng. Các địa danh nổi tiếng như Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa, Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái... thu hút du khách tìm về nguồn cội. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các danh thắng như hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, thác Mưa Ráo... càng tăng sức hút.

Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tại Hà Nội năm 2025.

Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tại Hà Nội năm 2025.

Thái Nguyên từ lâu đã được biết đến là vùng đất của “Đệ nhất danh trà”, nơi nghệ thuật thưởng trà trở thành một nét văn hóa đặc sắc. Nhằm lan tỏa giá trị văn hóa trà và thu hút du khách, tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai một loạt hoạt động nổi bật.

Trên tuyến tàu Hà Nội - Thái Nguyên, hệ thống truyền thông đa phương tiện đã được lắp đặt trên các toa tàu để giới thiệu văn hóa trà và những điểm đến hấp dẫn của tỉnh. Hành khách trên tàu sẽ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, quy trình chế biến và thưởng thức trà Thái Nguyên qua những tài liệu hình ảnh, video sống động.

Bên cạnh đó, tại các nhà ga, đặc biệt là ga Thái Nguyên, không gian văn hóa trà đã được xây dựng, kết hợp trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh. Khách du lịch khi dừng chân tại nhà ga có thể trải nghiệm thưởng trà và sử dụng sản phẩm ngay tại khu vực giới thiệu.

Ngoài ra, sản phẩm trà Thái Nguyên và các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa vào hệ thống nhà ga, quảng bá rộng rãi trên các nền tảng số của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Việc làm này giúp nâng cao nhận diện thương hiệu và tăng cường sự hiện diện của trà Thái Nguyên trên thị trường.

Bên cạnh việc quảng bá, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành cải tạo cảnh quan dọc tuyến đường sắt bằng cách trồng hoa theo mùa và phát triển những vùng chè cảnh quan, tạo điểm nhấn du lịch xanh.

Đặc biệt, các chuyến tàu chạy thử nghiệm từ Hà Nội đến Thái Nguyên đã được tổ chức với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành. Thông qua những chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch trên tàu, những đối tác này sẽ xây dựng những gói tour hấp dẫn, góp phần thu hút du khách đến với Thái Nguyên.

Theo Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Chính Nam, với mong muốn khôi phục tuyến tàu khách Hà Nội - Thái Nguyên, Tổng Công ty phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thái Nguyên để đưa tuyến đường sắt này trở lại hoạt động hiệu quả, không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn gắn với phát triển du lịch và quảng bá văn hóa trà Thái Nguyên.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức các chuyến tàu du lịch chuyên biệt như “Trà đạo”, tàu tham quan làng chè; phối hợp với các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, khu du lịch trong và ngoài tỉnh xây dựng chính sách hợp tác, đưa du khách đến Thái Nguyên bằng đường sắt; giới thiệu sản phẩm trà và các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Thái Nguyên tại hệ thống nhà ga và trên các nền tảng số của ngành Đường sắt...

Với những bước đi chiến lược này, Thái Nguyên đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam, mang đến cho du khách những trải nghiệm phong phú, độc đáo và đậm đà bản sắc văn hóa Trà.

Lê Phú/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/quang-ba-du-lich-gan-voi-van-hoa-tra-tren-tuyen-duong-sat-ha-noi-thai-nguyen-20250401181720528.htm
Zalo