Bừng sáng vùng căn cứ cách mạng Cái Chanh
Từ những làng quê nhiều khó khăn, thiếu thốn, lại bị chiến tranh tàn phá, giờ đây diện mạo xóm, ấp ở vùng căn cứ cách mạng Cái Chanh, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) đã đổi thay vượt bậc.
Quá khứ hào hùng
Xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) là nơi thể hiện khá rõ một chặng đường đấu tranh cách mạng anh dũng và kiên cường. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Cái Chanh là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Từ năm 1949 - 1954, đây là nơi đóng căn cứ của một số cơ quan kháng chiến Nam Bộ, địa bàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam như: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Võ Văn Kiệt…

Ngày mới ở căn cứ Cái Chanh. Ảnh: N.Du
Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, khu vực Cái Chanh vẫn là vùng giải phóng rộng lớn, địa bàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy khu Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Bạc Liêu và sau nữa là Tỉnh ủy Sóc Trăng; nơi đặt căn cứ của một số cơ quan, ban, ngành tỉnh và là nơi đóng quân của các đơn vị bộ đội chủ lực của ta.
Đến tháng 11/1973, Cái Chanh tiếp tục là nơi đặt căn cứ. Vừa là địa bàn hoạt động, vừa làm nơi tổ chức học tập, quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Tây Nam Bộ để đề ra các nghị quyết, chỉ thị... Từ Khu căn cứ này, Tỉnh ủy Bạc Liêu tập trung lãnh đạo đánh bại kế hoạch bình định, càn quét lấn chiếm của địch, huy động tổng lực để giải phóng tỉnh.
Ngày 30/4/1975, cùng với cả nước, bằng sự mưu trí, dũng cảm, linh hoạt, Ban Chỉ huy tổng công kích của tỉnh Bạc Liêu đã kết hợp sáng tạo giữa đấu tranh chính trị, binh vận với việc điều lực lượng vũ trang áp sát thị xã tỉnh lỵ để tạo sức ép về quân sự. Đồng thời tổ chức đấu tranh tâm lý, thuyết phục, vận động, chính quyền tay sai Sài Gòn tại đây từ bỏ ý định tử thủ, tự nguyện buông súng đầu hàng vô điều kiện cách mạng, nên thắng lợi đã không phải đổ máu.
Bà Lê Thị Sấm (87 tuổi) - ấp Xẻo Gừa, xã Ninh Thạnh Lợi được mọi người yêu thương, thường gọi với cái tên trìu mến “bà Ba kháng chiến”, bà Sấm kể, hồi đó bà làm nữ y tá và giao liên ở vùng căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy, Khu ủy đặt tại xã Ninh Thạnh Lợi. Dù gian khổ và chiến tranh ác liệt, bà vẫn cùng đồng đội bám trụ để bảo vệ bí mật, chăm sóc an toàn cho các đồng chí lãnh đạo ở Khu căn cứ và cán bộ, chiến sĩ, thương binh sau mỗi trận chiến với kẻ thù.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gia đình bà Lê Thị Sấm có 8 người thân hy sinh cho cách mạng, đã được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ. Trong đó, có chồng bà là Liệt sĩ Nguyễn Văn Rịp. Mẹ của bà Sấm là bà Huỳnh Thị Mười cũng đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Trong chiến tranh, sau một lần tải thương bảo vệ cho thương binh thì bản thân bà Lê Thị Sấm cũng bị đạn pháo của giặc bắn gãy tay, để lại thương tích nặng trên thân thể. “Những lúc địch đi càn quét vùng căn cứ cách mạng, hừng sáng là “cá nhái” (máy bay quân sự thời chiến) đi tuần, phải khiêng bệnh nhân ra ngoài liếp khóm để che giấu thương binh, ở đây có nhiều hầm lớn, cây cối rậm rạp bùn lầy nên che giấu cán bộ mình được an toàn” - bà Sấm kể.
Đất anh hùng thay áo mới
Sau 50 năm giải phóng, ngày nay Ninh Thạnh Lợi đã trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế của huyện Hồng Dân và là một trong những xã đi đầu trong công cuộc huy động sức dân, được nhân dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Là một xã thuần nông, thế mạnh của Ninh Thạnh Lợi đến từ 2 mặt hàng chủ lực là con tôm và cây lúa. Đặc biệt, mô hình tôm sú - tôm càng xanh - lúa được đánh giá là bền vững, vì vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa cho lợi nhuận cao. Nông dân áp dụng mô hình này, lợi nhuận thu được từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm.

Mô hình “con tôm ôm cây lúa” giúp người dân Ninh Thạnh Lợi có thu nhập cao, vươn lên khá giả. Ảnh: N.Du
Trong căn nhà mới khang trang được xây dựng hơn 1 tỷ đồng còn thơm mùi vôi vữa, anh Phạm Thanh Tùng ở ấp Xẻo Gừa, xã Ninh Thạnh Lợi không chỉ tự hào về truyền thống cách mạng mà còn phấn khởi nói về sự vươn lên về kinh tế của người dân nơi đây. Anh Tùng cho biết, kinh tế gia đình anh ngày càng phát triển là nhờ áp dụng có hiệu quả mô hình nuôi tôm xen canh với các loài thủy sản khác trên diện tích hơn 6ha. Lợi nhuận mà gia đình anh Tùng thu được mỗi năm đều trên 100 triệu đồng.
Ông Trần Văn Nên - xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân chia sẻ: Thời kỳ chiến tranh, cuộc sống bà con ở đây rất khó khăn, sau giải phóng người dân ra sức cải tạo lại ruộng vườn, chăm lo cày cấy nên cuộc sống mới dần ổn định hơn. Đặc biệt là kể từ khi có chủ trương luân canh tôm - lúa thì kinh tế của người dân nơi đây mới thật sự sang trang mới, đời sống của bà con ngày một nâng cao.
Theo bà Nguyễn Thị Bích - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi, hiện nay việc đi lại của người dân cũng như việc vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn rất nhiều so với trước. Hệ thống giao thông nông thôn đã cơ bản bao phủ các ấp, ngõ xóm trong xã. Ninh Thạnh Lợi cũng được cấp trên quan tâm đầu tư, hưởng lợi nhờ việc mở tuyến đường vào khu căn cứ Tỉnh ủy, đường ô tô đến trung tâm xã. Những tuyến đường này có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây.
Chiến tranh đã lùi xa, đời sống ngày càng khấm khá, người dân Ninh Thạnh Lợi luôn tự hào về truyền thống cách mạng của mình. Càng tự hào, họ càng ra sức khắc phục khó khăn, giáo dục con cháu ra sức lao động, phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu cho gia đình và quê hương.