Bùng nổ đào tạo các ngành công nghệ cao

Trong các ngành công nghệ cao, riêng lĩnh vực vi mạch - bán dẫn, khoảng 74% kỹ sư của cả nước đang làm việc tại TP.HCM, trong đó hơn 50% được đào tạo từ ĐH Quốc gia TP.HCM.

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục ĐH tại TP.HCM đã sớm đón đầu trong đào tạo các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, IoT, vi mạch - bán dẫn… Hướng đi này nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của nền kinh tế số và công nghiệp 4.0 hiện nay.

Cuộc đua chinh phục AI, vi mạch - bán dẫn

Có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam và tại TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tiên phong trong đào tạo AI và các ngành phục vụ cho công nghiệp bán dẫn trong nhiều năm qua.

Thống kê cho thấy riêng lĩnh vực vi mạch - bán dẫn, khoảng 74% kỹ sư của cả nước đang làm việc tại TP.HCM, trong đó hơn 50% được đào tạo từ ĐH Quốc gia TP.HCM.

Do đó, từ năm 2024, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thành lập hai ngành là thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn ở bậc cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ, đào tạo theo hướng chuyên sâu. Chỉ tiêu mỗi năm với 300 sinh viên hệ kỹ sư, 90 học viên thạc sĩ và 10 nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Còn lĩnh vực AI, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đi đầu khi mở ngành đào tạo AI ở cả ba bậc, trong đó bậc ĐH (từ năm 2021), thạc sĩ và tiến sĩ (từ năm 2022).

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Vũ, Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin của trường, sự phát triển mạnh của AI và công nghiệp bán dẫn ở những năm đầu tiên khiến nhu cầu học tập và nghiên cứu trong khối ngành công nghệ cao tăng nhanh. Điểm chuẩn đầu vào ở bậc ĐH luôn ở mức cao (27-28 điểm) và ở bậc thạc sĩ, trường chỉ tuyển dưới 30% hồ sơ nộp vào ở năm 2024.

 Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thực hành tại phòng thí nghiệm robot hiện đại bậc nhất vừa được trường đầu tư và đưa vào sử dụng từ tháng 4-2025. Ảnh: ICC

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thực hành tại phòng thí nghiệm robot hiện đại bậc nhất vừa được trường đầu tư và đưa vào sử dụng từ tháng 4-2025. Ảnh: ICC

“Vì vậy, năm 2025 này, trường sẽ tăng chỉ tiêu các ngành AI bậc ĐH lên 90 (gấp đôi so với các năm trước), 60 học viên thạc sĩ và 10 nghiên cứu sinh tiến sĩ” - PGS-TS Vũ thông tin.

Kế đó là Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng bắt đầu đào tạo ngành AI từ năm 2023, cạnh đó còn có Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Quốc tế…

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng là một trong những trường đầu tiên triển khai giảng dạy cũng như mở các ngành đào tạo về robot, AI, mạng thần kinh nhân tạo, vi mạch…

Đơn cử, ngành robot và AI được trường bắt đầu đào tạo từ năm 2019 với 20 sinh viên ở thời điểm ban đầu, đến nay đã có sáu khóa tuyển sinh. Bên cạnh đó là các ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, hệ thống nhúng và IoT... Năm 2024, trường tuyển sinh khóa đầu tiên cho chương trình Thiết kế vi mạch với 120 sinh viên.

TS Quách Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết tổng sinh viên tuyển hằng năm ở những ngành liên quan tới công nghệ cao tại trường luôn chiếm khoảng 50% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh (7.000 sinh viên/năm), đóng góp lớn trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao TP.HCM và cả nước.

Tháng 2-2025, UBND TP.HCM ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại TP.HCM.

Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2026-2030, TP.HCM triển khai đào tạo ít nhất 9.350 nhân lực có trình độ ĐH trở lên trong các ngành bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM làm nòng cốt với chỉ tiêu đào tạo 6.200 người; Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mỗi trường đảm nhận 1.400 chỉ tiêu; Trường ĐH Sài Gòn đảm nhiệm 350 chỉ tiêu.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng đẩy mạnh đào tạo đến 10 ngành/chuyên ngành lĩnh vực công nghệ cao, nổi bật như khoa học dữ liệu và AI, IoT và AI ứng dụng, kỹ thuật thiết kế vi mạch... Hằng năm, các ngành này luôn thu hút lượng người học lớn, nhất là những sinh viên giỏi về các môn khoa học tự nhiên.

Không chỉ ở những trường mạnh về kỹ thuật - công nghệ, các trường ở những lĩnh vực khác cũng đã đào tạo theo hướng tích hợp AI. Như Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật…

Chi hàng chục tỉ đầu tư trang thiết bị hiện đại

Để đảm bảo việc đào tạo nhân lực chất lượng cao hiệu quả, tiệm cận xu thế công nghệ số, nhiều trường ĐH mạnh tay chi hàng chục tỉ đồng đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ học tập và nghiên cứu.

Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết trường đã xây dựng nhiều phòng thí nghiệm chuyên sâu phục vụ ngành bán dẫn. Trong đó, RFICS Lab đặt tại Trường ĐH Bách khoa có kinh phí khoảng 2,5 triệu USD; ASIC Lab tại Trường ĐH Công nghệ thông tin khoảng 1 triệu USD. Cuối tháng 3, trường cũng đưa vào hoạt động phòng thực hành thiết kế vi mạch số với máy móc, phần mềm theo chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đang đầu tư sáu phòng thí nghiệm chuyên biệt cho nghiên cứu, chế tạo và kiểm thử vi mạch, bán dẫn, đồng thời hợp tác với các tổ chức để thúc đẩy đào tạo và nghiên cứu.

 Sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM được đào tạo theo hướng tích hợp công nghệ với kiến thức liên ngành. Ảnh: TK

Sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM được đào tạo theo hướng tích hợp công nghệ với kiến thức liên ngành. Ảnh: TK

Đầu năm 2024, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) trở thành cơ sở đào tạo đầu tiên tại Việt Nam mua siêu máy chủ AI NVIDIA DGX A100 trị giá hơn 10 tỉ đồng từ Tập đoàn Nvidia (hãng chip lớn nhất thế giới), phục vụ giảng dạy và nghiên cứu AI, khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin. Trường cũng xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại và 22 phòng thực hành, giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tiễn.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Hiệu trưởng Phan Hồng Hải cho biết những năm gần đây, trường đã triển khai hàng trăm phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên sâu với những công nghệ tiên tiến về robotics, IoT, điều khiển hệ thống điện thông minh, công nghệ cơ khí chính xác và nhà máy công nghiệp 4.0.

Trong tháng 4 này, trường khánh thành phòng thí nghiệm thiết kế và đo kiểm vi mạch/linh kiện bán dẫn để đào tạo chuyên sâu ngành vi mạch.

Đặc biệt, để phục vụ cho chuyên ngành robot và hệ thống điều khiển thông minh, mới đây trường đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành phòng thí nghiệm robot IUH hiện đại nhất trong hệ thống đào tạo Việt Nam. Nơi đây được trang bị hai robot tích hợp công nghệ tiên tiến và hai robot công nghiệp IRB 1200.

Theo ông Hải, các khoản đầu tư này giúp sinh viên tiếp cận công nghệ hiện đại, đồng thời gắn kết đào tạo với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động công nghệ cao.

“Trường cũng chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, chuyên gia và nhà khoa học để làm chủ các công nghệ tiên tiến” - ông Hải nói.

GS-TS NGUYỄN THỊ THANH MAI, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM:

Hai giải pháp tạo nguồn nhân lực chất lượng ở lĩnh vực công nghệ

Để có nguồn nhân lực mạnh ở lĩnh vực công nghệ, thứ nhất, ngành giáo dục TP.HCM cần có chính sách động viên học sinh, đồng thời có phương án để học sinh đam mê STEM. Từ đó, các em mới có nền tảng, đam mê và lựa chọn theo những ngành học về công nghệ vì theo chương trình giáo dục hiện nay, tỉ lệ học sinh chọn các môn xã hội nhiều hơn các môn khoa học tự nhiên.

GS-TS NGUYỄN THỊ THANH MAI

Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ học phí, học bổng, quỹ hỗ trợ tài năng để giảm chi phí học sau ĐH cho học viên. Thực tế tại ĐH Quốc gia TP.HCM, mỗi năm có khoảng 10.000 sinh viên theo học nhóm ngành công nghệ nhưng để tham gia sâu vào chuỗi công nghệ, đòi hỏi các em phải học chuyên sâu sau ĐH thêm 1-2 năm. Tuy nhiên, chi phí đào tạo sau ĐH ở lĩnh vực này rất cao nên đa số các em tốt nghiệp ĐH sẽ chọn đi làm kiếm tiền hoặc đi học ở nước ngoài.

PGS-TS BÙI QUANG HÙNG, Phó Giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM:

Đào tạo công nghệ tích hợp kiến thức liên ngành, đa ngành

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với quy mô lớn, thời gian gần đây ĐH Kinh tế TP.HCM đã đầu tư phát triển các chương trình đào tạo mới về công nghệ như công nghệ tài chính, kinh doanh số, robot và AI, điều khiển thông minh và tự động hóa, công nghệ nghệ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

PGS-TS BÙI QUANG HÙNG

Đặc biệt, định hướng của chúng tôi là nhiều môn học trong chương trình đào tạo về công nghệ được chú trọng tích hợp kiến thức liên ngành, đa ngành để đạt được hiệu quả tối ưu về nguồn lực. Từ đây, các nhà quản trị, lãnh đạo tương lai trong các lĩnh vực kinh tế, luật, quản lý nhà nước, truyền thông có thể hiểu và ứng dụng máy tính, công nghệ vào chuyên môn, nghiệp vụ.

Bài cuối: Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bung-no-dao-tao-cac-nganh-cong-nghe-cao-post844347.html
Zalo