Bức tường cuối đường băng gây nên thảm họa hàng không tại Hàn Quốc
Hôm 30/12, tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia hàng không chỉ ra bức tường bê-tông cuối đường băng bị nghi ngờ là yếu tố gây ra thiệt hại nhiều về nhân mạng trong vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Các nhà phân tích an toàn hàng không cho biết họ mong đợi các viên chức điều tra vụ tai nạn khiến 179 người thiệt mạng trong chuyến bay 7C2216 của hãng Jeju Air sẽ xem xét vị trí và thành phần của bức tường bê tông chứa ăng-ten mà chiếc máy bay đã lao vào rồi phát nổ sau khi máy bay hạ cánh bằng bụng lao chệch khỏi đường băng.
Các chuyên gia cho biết hầu hết các sân bay trên Thế giới không có các cấu trúc tương tự ở gần đường băng như vậy. Khi có, chúng thường được làm bằng vật liệu mềm hơn được thiết kế để phá vỡ hoặc hấp thụ lực tác động, giúp thiệt hại tối thiểu cho máy bay khi nó chạy quá đường băng.
Chi tiết về nguyên nhân vụ tai nạn vào ngày 29/12 của chuyến bay 7C2216 của Jeju Air, vụ tai nạn tồi tệ nhất từ trước đến nay trong ngành hàng không trên đất Hàn Quốc có thể sẽ vẫn chưa rõ ràng cho đến khi các nhà điều tra công bố những phát hiện sơ bộ của họ, dự kiến vào tháng tới.
Các chuyên gia cảnh báo không nên đưa ra kết luận, bao gồm cả về vai trò có thể có của cơ sở hạ tầng sân bay, cho đến khi hoàn tất việc xem xét đầy đủ bằng chứng.
Tuy nhiên, tờ New York Times dẫn lời Hassan Shahidi - chủ tịch của Flight Safety Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp hướng dẫn an toàn cho ngành hàng không cho rằng "các nhà điều tra sẽ xem xét bức tường đó” trong những ngày tới.
Chuyên gia Shahidi nhận định: “Các rào chắn gần đường băng sẽ dễ dàng bị phá vỡ trong trường hợp máy bay di chuyển quá đường băng nên tác động không phải là thảm khốc. Những gì chúng tôi thấy ở đây là một vụ va chạm trực diện với một bức tường bê tông có vẻ rất dày".
Chiếc máy bay liên quan đến vụ tai nạn hôm 29/12 là một chiếc Boeing 787-800, đã cất cánh từ Bangkok và đang hạ cánh tại sân bay quốc tế Muan ở phía tây nam Hàn Quốc. Khi máy bay đang chuẩn bị hạ cánh, sân bay đã cảnh báo phi công về khả năng va chạm với chim. Phi công do đó đã hủy bỏ nỗ lực hạ cánh đầu tiên và hạ cánh theo hướng ngược lại.
Khi máy bay đang hạ cánh, có vẻ như nó đã không kích hoạt cánh tà và bánh đáp, hạ cánh với tốc độ nhanh hơn bình thường. Nó trượt xuống đường băng bằng bụng và đâm vào một gò đất bao quanh một rào chắn bằng bê tông ở cuối đường băng. Sau đó, máy bay phát nổ thành một quả cầu lửa.
Bức tường xuất hiện không đúng chỗ
Các khu vực của sân bay gần đường băng, được gọi là khu vực an toàn đường băng, có mục đích cung cấp không gian thông thoáng cho máy bay trong trường hợp chúng chạy qua, trượt hoặc lệch khỏi đường băng trong khi hạ cánh.
Tại Hoa Kỳ, Cục Hàng không Liên bang cho biết các khu vực an toàn đường băng tiêu chuẩn kéo dài 1.000 feet (304,8 mét) tính từ cuối đường băng và 500 feet (152,4 mét) ở hai bên. Theo quy định của cơ quan này, bất kỳ công trình nào trong các khu vực này đều phải xây dựng bằng vật liệu "dễ vỡ", có thể bị phá vỡ dễ dàng khi chịu lực tác động để ngăn ngừa thiệt hại thảm khốc.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế khuyến nghị một vùng đệm tiêu chuẩn cách cuối đường băng khoảng 180 đến 300 mét. Theo các quan chức địa phương, tại sân bay Muan, cấu trúc bê tông được bao quanh bởi một gò đất nằm cách cuối đường băng khoảng 250 mét.
Việc xác định xem khu vực an toàn đường băng tại sân bay này có đáp ứng các yêu cầu theo quy định hay không liên quan đến việc đánh giá một số yếu tố, bao gồm cả yếu tố địa lý địa phương. Một số đường băng của sân bay đã được xây dựng trước khi các quy tắc về vùng đệm đường băng có hiệu lực.
Đó là trường hợp tại Sân bay quốc gia Little Rock ở Little Rock, bang Arkansas, Mỹ vào năm 1999. Khi chuyến bay số hiệu 1420 của hãng American Airlines đâm vào các cột đèn chỉ hướng máy bay ra khỏi đường băng. Các cấu trúc này xé toạc máy bay, bốc cháy, giết chết 11 người và làm bị thương 80 người.
Tại sân bay Muan, cấu trúc bê tông mà chuyến bay 7C2216 đâm vào có chứa một thiết bị gọi là máy định hướng. Đó là một mảng ăng-ten được sử dụng để hướng dẫn máy bay trong quá trình tiếp cận và hạ cánh, các quan chức địa phương cho biết. Các ăng-ten này thường nằm ngoài đầu khởi hành của đường băng và chúng phải được đặt theo các hướng dẫn cụ thể để hoạt động chính xác.
Ngay sau vụ tai nạn, sự chú ý của dư luận đã được hướng đến chiều dài đường băng tại sân bay Muan. Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Hàn Quốc Joo Jong-wan cho biết chiều dài 2.800 mét của đường băng không phải là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Theo Najmedin Meshkati, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Nam California (Mỹ), người nghiên cứu về an toàn hàng không, chiều dài đường băng có thể không phải là vấn đề nghiêm trọng trong vụ tai nạn. Thay vào đó, ông tin rằng các nhà điều tra sẽ tập trung vào thực tế là ăng-ten định vị được lắp trên một đế làm bằng bê tông cứng thay vì một tháp kim loại hoặc trụ được lắp đặt tiêu chuẩn hơn.
"Cấu trúc cứng này đã chứng tỏ là thảm họa khi máy bay trượt và va chạm" - Tiến sĩ Meshkati cho biết. Vụ tai nạn nhấn mạnh nhu cầu triển khai "rào chắn mềm" ở cuối đường băng tại các sân bay trên toàn thế giới "để làm giảm và giảm thiểu tác động của các chuyến bay lệch đường băng, xảy ra với tần suất đáng lo ngại" - ông nói với New York Times.
Ông Joo, quan chức bộ giao thông, cho biết hôm 30/12 rằng các quy định liên quan đến cấu trúc bê tông sẽ được chia sẻ sau. Ông cho biết thêm, các cấu trúc bê tông được sử dụng để chứa ăng-ten định vị tại các sân bay khác ở Hàn Quốc và những nơi khác.
Tại các sân bay như LaGuardia của New York (Mỹ), nơi không gian hạn chế, một rào chắn được gọi là "hệ thống chặn vật liệu kỹ thuật" được thiết kế để dừng máy bay mà không gây ra thiệt hại đáng kể.
Tại LaGuardia "nếu bạn đi ra khỏi cuối đường băng, máy bay sẽ tông vào cấu trúc bê tông mềm này và nó sẽ dừng lại ngay lập tức" - Jeff Guzzetti, người sáng lập Guzzetti Aviation, một công ty tư vấn an toàn nói với New York Tines. “Nếu không có điều đó, đường băng phải có vùng an toàn rõ ràng” - ông Guzzetti cho biết.
Trong những tuần tới, ngoài việc kiểm tra quy mô vùng an toàn đường băng của sân bay Muan, các nhà điều tra có thể sẽ tập trung vào vật liệu được sử dụng trong kết cấu giữ ăng-ten định vị và các yếu tố khác, như mức độ neo chặt của nó xuống mặt đất, chuyên gia Shahidi cho biết.
Khoảnh khắc máy bay tông vào bức tường ở cuối đường băng: