Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024: Tăng trưởng rực rỡ

Năm 2024 được coi là một năm 'ăn nên làm ra' với ngành ngân hàng khi phần lớn các tổ chức tín dụng này đều công bố lợi nhuận tăng trưởng dương, thậm chí có đơn vị tăng trưởng hơn gấp 5 lần so với năm ngoái...

Năm 2024, trước hàng loạt biến động từ lãi suất, tỷ giá, quy định bảo hiểm đến sự bất ổn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và tác động của thiên tai, các ngân hàng đã chủ động gia tăng trích lập dự phòng để ứng phó với rủi ro.

Dù điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các kế hoạch kinh doanh, nhưng thực tế cho thấy bước sang quý 4, hoạt động ngành ngân hàng đã khởi sắc mạnh mẽ. Nhiều nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, góp phần cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh cả năm.

TOP 10 NGÂN HÀNG CÓ LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ CAO NHẤT NĂM 2024

Tính đến thời điểm hiện tại, “bức tranh” lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 đã cơ bản hoàn thiện xong với việc lấy gam sáng làm màu chủ đạo. Trong 26 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, chỉ có ba ngân hàng có lợi nhuận giảm, 4 ngân hàng có tăng trưởng một chữ số, còn lại đều ghi nhận mức tăng hai chữ số, thậm chí tại ngân hàng BVBank còn ghi nhận mức tăng bằng lần so với năm trước.

Vietcombank tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc đua lợi nhuận năm 2024, bất chấp những biến động trên bảng xếp hạng những ngân hàng lãi lớn nhất. Cụ thể, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt trội, đạt hơn 42.200 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm trước, bỏ xa các đối thủ còn lại.

Trong nhóm Big4, VietinBank bứt phá mạnh mẽ trong quý 4 với mức tăng 61%, đưa lợi nhuận cả năm tăng 27% so với cùng kỳ. Nhờ đó, ngân hàng này vươn từ vị trí thứ tư lên thứ hai, đạt 31.758 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

BIDV cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng hơn 17%, thu hẹp khoảng cách với VietinBank khi đạt hơn 31.300 tỷ đồng lợi nhuận. Một thành viên khác trong nhóm Big 4 là ngân hàng Agribank ước tính thu về lợi nhuận 27.927 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm trước và xếp ở vị trí thứ 5 trong danh sách.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, MB, Techcombank và ACB tiếp tục dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt 28.830 tỷ đồng (tăng 9,5%), 27.538 tỷ đồng (tăng 20,3%) và 21.006 tỷ đồng (tăng 4,7%). Theo đó, lần lượt ghi danh ở vị trí thứ 4, 6 và 7 trong “bảng phong thần”.

VPBank cũng có màn trở lại ngoạn mục nhờ sự phục hồi của FE Credit, khi lợi nhuận gần như nhân đôi, từ hơn 10.000 tỷ đồng năm trước lên hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2024. Khép lại Top 10 ngân hàng lãi lớn nhất năm 2024 là HDBank và Sacombank với lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 16.000 tỷ đồng và 12.700 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 22,9% và 32,4%.

Xét về tốc độ tăng trưởng, BVBank đang là ngân hàng có mức tăng trưởng lớn nhất ngành trong năm qua với hơn 443%, kéo lợi nhuận trước thuế của nhà băng này từ 72 tỷ đồng lên 391 tỷ đồng. Ngoại trừ VPBank đã nói đến ở trên, các ngân hàng có mức tăng lợi nhuận cao phải kể đến như LPBank (tăng gần 73%), Eximbank, Kienlongbank (đều tăng trên 50%), các ngân hàng như Sacombank, TPBank, SeABank, Nam A Bank, ABBank đều tăng trên 30%.

Ngược lại, 3 ngân hàng thương mại ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm qua là VIB (-15,9%); OCB (-3,2%); BaoViet Bank (-4,4%). Theo đó, các ngân hàng này lần lượt mang về khoản lợi nhuận trước thuế là 9.000 tỷ đồng, 4.006 tỷ đồng, 86 tỷ đồng.

BỨC TRANH NGÀNH NGÂN HÀNG NĂM 2025 VỚI GAM MÀU TƯƠI SÁNG

Nhìn về năm 2025, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng tích cực, với động lực chính đến từ tín dụng. Nhờ mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và nhu cầu vốn gia tăng từ các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ tiếp tục khởi sắc. Bên cạnh đó, biên lãi ròng có cơ hội phục hồi sau giai đoạn khó khăn, trong khi chất lượng tài sản được cải thiện nhờ nền kinh tế hồi phục, tạo nền tảng vững chắc giúp các ngân hàng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 16% trong năm 2025, đưa tổng dư nợ tín dụng vượt mốc 18 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tương đương hơn 2,5 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Đây sẽ là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm và vượt kế hoạch 15,08% của năm 2024.

Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng ưu tiên dòng vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời tập trung vào những động lực tăng trưởng theo định hướng của Chính phủ. Bên cạnh đó, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Theo nhóm phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu vay vốn trong năm 2025. Tín dụng bán lẻ, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh, tiêu dùng và vay mua nhà, được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, tín dụng bán buôn dự kiến duy trì ổn định, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn phát triển.

VCBS cũng nhận định rằng cho vay mua nhà sẽ tăng trưởng khoảng 15% trong năm 2025, với cả thị trường bất động sản sơ cấp và thứ cấp hưởng lợi từ nguồn cung mới. Ngoài ra, nhu cầu vay tiêu dùng, mua ô tô và sử dụng thẻ tín dụng được kỳ vọng sẽ bùng nổ, giúp tín dụng bán lẻ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ngành ngân hàng trong năm tới.

Theo báo cáo từ Chứng khoán Tiên Phong (TPS), biên lãi ròng (NIM) – chỉ số quan trọng phản ánh khả năng sinh lời của ngân hàng – được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2025 nhờ các chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và sự khởi sắc của thị trường bất động sản. Đặc biệt, nguồn cung bất động sản dự báo sẽ tăng mạnh so với năm 2024, thúc đẩy nhu cầu tín dụng và tạo điều kiện cải thiện NIM.

Một trong những động lực chính giúp NIM đi lên là lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp nhất trong 20 năm, tạo tiền đề cho tăng trưởng tín dụng. Hiện tại, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại dao động từ 6,7 - 9,1%/năm đối với các khoản vay mới và dư nợ cũ. Đáng chú ý, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND cho các lĩnh vực ưu tiên chỉ ở mức 3,7%/năm, thấp hơn mức trần 4%/năm mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Trong khi đó, báo cáo từ SSI Research dự báo NIM năm 2025 sẽ ổn định ở mức 3,48%, tương đương năm 2024. Tuy nhiên, có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng: NIM của khối ngân hàng tư nhân dự kiến tăng 5 điểm cơ bản lên 2,77%, trong khi khối ngân hàng quốc doanh có thể giảm 7 điểm cơ bản, xuống còn 4,24%.

TPS cũng nhận định lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ trong năm 2025 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng cao. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ tận dụng lợi thế này để duy trì NIM ở mức ổn định.

Về huy động vốn, lãi suất tiền gửi cuối năm 2024 đã chạm đáy 3 năm, dao động từ 5,2 - 6%/năm. Hầu hết chuyên gia dự báo trong năm 2025, lãi suất huy động sẽ duy trì ổn định hoặc nhích nhẹ, với sự phân hóa giữa các ngân hàng. Những ngân hàng nhỏ có thể phải áp dụng lãi suất cao hơn để thu hút dòng tiền từ khách hàng.

Bước sang năm 2025, công tác xử lý nợ xấu và thu hồi tài sản bảo đảm được kỳ vọng sẽ diễn ra thuận lợi hơn nhờ đà phục hồi của thị trường bất động sản. Một số tổ chức phân tích dự báo tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng có thể giảm xuống còn 1,8% trong năm tới, phản ánh hiệu quả của các biện pháp quản lý rủi ro ngày càng chặt chẽ và sự cải thiện tích cực trong chất lượng tài sản.

Thúy An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/buc-tranh-loi-nhuan-nganh-ngan-hang-nam-2024-tang-truong-ruc-ro-post557678.html
Zalo