Bức tranh kinh tế 2024: Vượt bão ngoạn mục - Bài 2: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ

Một trong những điều khiến kinh tế của tỉnh năm 2024 dù gặp nhiều bất lợi nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng là nhờ sự quyết liệt của tỉnh trong việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, tác động tích cực đến công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chỉ số PCI, SIPAS... tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bài 1: Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 10 năm

Bài cuối: Bài học đoàn kết

Xây dựng nền hành chính hiện đại

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ là nền tảng để xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và chuyên nghiệp. Việc tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật, quy trình làm việc, cùng với ý thức trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chỉ giúp bộ máy hành chính vận hành trơn tru, hiệu quả mà còn tạo dựng niềm tin cho người dân và doanh nghiệp vào cơ quan Nhà nước.

Các cán bộ, công chức, viên chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong giải quyết TTHC.

Các cán bộ, công chức, viên chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong giải quyết TTHC.

Xác định rõ tầm quan trọng đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang XVII đã xác định “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương” là nội dung quan trọng nằm trong 5 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025. Điều đó thể hiện sự đề cao, quyết tâm của tỉnh nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương đảm bảo hiệu quả công vụ, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch và chuyên nghiệp. Cụ thể hóa nghị quyết này, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhằm khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ khác được giao. Các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra thực hiện đạo đức công vụ, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 22-10-2024 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Bám sát chỉ đạo của cấp trên, trong năm 2023 và 2024, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiểm tra việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức tại 32 cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến, nâng cao trách nhiệm trong xử lý công việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là biện pháp cảnh báo, phòng ngừa không để lơ là, vi phạm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của cán bộ, công chức và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Mỗi cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, công chức đều nỗ lực thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần “Làm hết việc, chứ không làm hết giờ”, “Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả công việc và CCHC”. Tuyên Quang cũng đã sớm thành lập và không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Cùng với đó, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức đi làm TTHC, Trung tâm còn duy trì làm việc cả ngày thứ bảy hằng tuần đối với một số cơ quan, đơn vị có tần suất thực hiện TTHC lớn như: Giao thông - Vận tải, Tài nguyên - Môi trường... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã cung cấp 1.889 TTHC, trong đó, dịch vụ công toàn trình 1.023 thủ tục (đạt 54,15%), dịch vụ công một phần 598 thủ tục (đạt 31,65%), dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến 268 thủ tục (đạt 14,18%)...

Thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển

Nhằm huy động thêm nguồn để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Tuyên Quang đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh CCHC, xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, áp dụng chính sách ưu đãi phù hợp... Tỉnh cũng đã chủ động mời gọi, làm việc với các nhà đầu tư và hướng dẫn, hỗ trợ các công ty, tập đoàn tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh để triển khai thực hiện dự án trên địa bàn.

UBND xã Tân Thành (Hàm Yên) triển khai mô hình điểm hướng dẫn, truy cập, trải nghiệm và thực hiện dịch vụ công trực tuyến giúp nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

UBND xã Tân Thành (Hàm Yên) triển khai mô hình điểm hướng dẫn, truy cập, trải nghiệm và thực hiện dịch vụ công trực tuyến giúp nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong năm 2024, tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 45 nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án, trong đó có 18 dự án sản xuất công nghiệp, đã có thêm 13 dự án lĩnh vực công nghiệp hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều dự án có giá trị sản xuất công nghiệp cao, dự kiến nộp ngân sách lớn như: Nhà máy sản xuất ván sàn; Nhà máy sản xuất giấy Tissue; Nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu PPE. Tỉnh có thêm 2 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam do Bộ Công Thương bình chọn gồm: sản phẩm ván sàn Woodsland và sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất Woodsland.

Quyết tâm cao của tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ gắn với đẩy mạnh CCHC đã đóng góp tích cực giúp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Cụ thể, năm 2023, PCI của Tuyên Quang đạt 88,46%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 3,12%, tăng 16 bậc so với năm 2022); chỉ số SIPAS của tỉnh đạt 82,83%, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,11% so với năm 2022). Đây là yếu tố quan trọng giúp Tuyên Quang tạo dựng môi trường thuận lợi, thu hút nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

10 tháng đầu năm 2024, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án với số vốn trên 768 tỷ đồng, trong đó, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án FDI với số vốn trên 162 tỷ đồng. Giai đoạn 2021- 2024 tỉnh đã thu hút và phê duyệt chủ trương đầu tư được 72 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 31.165 tỷ đồng (bằng 62,3% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025). Các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Lũy kế đến ngày 20-11-2024, trên địa bàn tỉnh có 2.811 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 36.508 tỷ đồng. Trong đó, có 18 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài; có 609 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký trên 2.395 tỷ đồng...

Việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Tuyên Quang đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/buc-tranh-kinh-te-2024-vuot-bao-ngoan-muc-bai-2-tang-cuong-ky-luat-ky-cuong-trong-thuc-thi-cong-vu-203660.html
Zalo