'Bức tranh' doanh nghiệp tăng gam màu ấm
Doanh nghiệp là lực lượng chủ công tạo ra của cải, vật chất; tạo sức tăng trưởng cho nền kinh tế cũng như bình ổn đời sống xã hội.
Nói cách khác, doanh nghiệp quyết định “sức khỏe” của nền kinh tế và ngược lại. Số liệu 10 tháng của năm 2024 cho thấy, "bức tranh" doanh nghiệp tăng gam màu ấm nhờ những giải pháp, phương cách hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để cộng đồng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhắm tới đích phát triển nhanh, bền vững…
Chuyển biến tích cực nhờ chuyển đổi số
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng của năm 2024, cả nước có hơn 202 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20 nghìn gia nhập và tái gia nhập thị trường. Ngược lại, bình quân một tháng cũng có 17,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các số liệu trên cho thấy, số đơn vị gia nhập thị trường cao hơn số rút lui; bức tranh doanh nghiệp đang “ấm dần lên”, dù vẫn đối diện nhiều khó khăn, bất lợi.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm phân tích, việc tham gia hay rút lui khỏi thị trường là thực tế bình thường, hợp quy luật trong kinh tế thị trường, nơi có sự cạnh tranh liên tục và gay gắt để tồn tại, phát triển. Điều quan trọng là mức độ thanh lọc như thế nào để đánh giá một cách chính xác, toàn diện; nhất là về chất lượng, sức sống của doanh nghiệp…
Đáng lưu ý, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, hạ tầng kinh tế - xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các tỉnh phía Bắc. Đây là thực tế bất khả kháng và chắc chắn đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực sản xuất kinh doanh, gây tốn kém thời gian, chi phí để khôi phục lại hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát 30.587 doanh nghiệp cho thấy, quý III-2024, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn quý II-2024, chủ yếu ở các tỉnh bị ảnh hưởng của bão. Trong đó, doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ bị ảnh hưởng nhiều hơn các doanh nghiệp quy mô lớn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17-9-2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trong đó, một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với yêu cầu phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, bức tranh doanh nghiệp cũng có một số đặc điểm, diễn biến tích cực, đáng ghi nhận. Bà Trịnh Thị Ngân, cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nhận định, nhiều doanh nghiệp đã ý thức sâu sắc hơn và thật sự đầu tư cho việc chuyển đổi số, từng bước hiện đại hóa công nghệ, dây chuyền sản xuất cũng như chủ động nâng cao năng lực quản trị nhằm bảo đảm sức cạnh tranh trên thị trường. Đó là chuyển biến tích cực, cần kịp thời chia sẻ, phát huy.
Tổng cục Thống kê nhận xét, một số nhóm ngành sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng cao như các doanh nghiệp ngành may, da giày tận dụng tốt các lợi thế từ diễn biến thị trường nước ngoài, như bất ổn ở Bangladesh nên nhiều đơn hàng của Bangladesh được chuyển sang cho doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp điện, điện tử cũng tăng lượng hàng sản xuất vì có nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Chủ động tiếp sức doanh nghiệp
Dự báo thời gian tới, đời sống kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động trước những rủi ro, bất ổn trên thế giới về kinh tế, xung đột, thiên tai, dịch bệnh…
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 5-1-2024) của Chính phủ, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia và đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế. Cụ thể là: Tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động nhằm phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng trong nước bằng cách thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi, khuyến khích tiêu dùng. Đặc biệt là các mặt hàng sản xuất trong nước, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập quốc tế bằng các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế để tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó là: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, công nghệ sạch nhằm đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, kinh doanh và quản lý nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm chi phí đầu vào và nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí sản xuất thông qua các chính sách về thuế, phí, lãi suất. Đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các hiệp định thương mại tự do đã ký…