Bức tranh đa sắc màu của du lịch Nam Định
Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 có định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Bộ…
Triển khai phương án phát triển ngành Du lịch trong Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã tập trung cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đồng bộ. Trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch trên cơ sở tạo điều kiện thu hút đầu tư tư nhân, hợp tác công - tư. Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng phát triển các loại hình du lịch văn hóa với sản phẩm du lịch tham quan di tích, tham dự các lễ hội truyền thống, điểm nhấn là các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; kết hợp với khai thác thế mạnh ẩm thực địa phương, hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. Thúc đẩy chuyển đổi số ngành Du lịch, triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; giới thiệu hình ảnh du lịch Nam Định gắn với những đặc trưng di sản văn hóa, kiến trúc, lịch sử, ẩm thực.
Thực hiện nhiệm vụ đó, ngay từ đầu năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển du lịch bằng nhiều giải pháp như: chú trọng nghiên cứu, phát triển thị trường; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, tiếp cận các thị trường du lịch mục tiêu, thông qua tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu của đơn vị; kết nối các đơn vị lữ hành trên cả nước… Trong đó nổi bật là việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các sự kiện VH, TT và DL, hội chợ, các hội nghị xúc tiến đầu tư, lễ hội. Với lợi thế có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú gồm: tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, tỉnh đã khai thác và phát huy các loại hình: du lịch văn hóa (di tích, danh thắng, lễ hội truyền thống), du lịch sinh thái (Vườn quốc gia Xuân Thủy); du lịch biển (Thịnh Long, Quất Lâm); du khảo đồng quê - homestay (làng quê, làng nghề tiêu biểu, trải nghiệm nông thôn mới, tham quan các nhà thờ Công giáo, thưởng thức các đặc sản nông nghiệp…). Hiện nay, khách du lịch đến Nam Định gần như quanh năm, tập trung đông vào hai mùa lễ hội lớn đầu xuân và cuối thu; vào mùa hè tại các khu nghỉ mát, tắm biển và mùa đông khi đến tham quan, nghiên cứu tìm hiểu Vườn quốc gia Xuân Thủy; nhưng khách đến Nam Định đông nhất vẫn là vào mùa lễ hội Phủ Dầy, chợ Viềng xuân và lễ Khai ấn Đền Trần.
Thực tế cho thấy, từ sau thời điểm đại dịch COVID-19, du lịch Nam Định đã dần phục hồi và phát triển ổn định, lượng khách du lịch đến với Nam Định tăng dần theo từng năm. Năm 2024, toàn tỉnh đón khoảng 1,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 5,2% so với năm 2023. Doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch dịch vụ ước đạt 560 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2023. Kết quả đạt được cho thấy hiệu quả tác động rõ ràng từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch của tỉnh cũng như từ sự nỗ lực của các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành. Hàng năm, ngành Du lịch tỉnh rà soát, đánh giá chất lượng các cơ sở lưu trú đã được phân loại xếp hạng, các cơ sở kinh doanh lữ hành đảm bảo chất lượng theo quy định. Triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, hướng dẫn cơ sở chú trọng đến việc đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú chuẩn bị tốt các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch tới Nam Định. Năm 2024, Sở VH, TT và DL đã ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lữ hành, hướng dẫn viên du lịch như: Tổ chức khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch trong và ngoài tỉnh, cấp Giấy chứng nhận cho 83 hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế; cấp 7 giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa đối với các công ty; cấp 43 thẻ hướng dẫn viên du lịch (26 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, 17 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế).
Đã có nhiều chương trình, sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch được tổ chức. Nổi bật là các hoạt động triển lãm ảnh đẹp du lịch Nam Định, gian hàng xúc tiến du lịch Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” tại Bảo tàng tỉnh dịp đầu xuân và Khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh trong lễ hội Khai ấn Đền Trần. Năm 2024, “Phở Nam Định” được Bộ VH, TT và DL ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để quảng bá, giới thiệu di sản, Sở VH, TT và DL đã tổ chức gian hàng xúc tiến du lịch tại Festival Phở 2024 với các hoạt động trong chương trình “Con đường Phở Việt”: trưng bày những tác phẩm ảnh, các ấn phẩm cẩm nang du lịch, cẩm nang lễ hội, bản đồ du lịch, tờ rơi, tập gấp nhằm giới thiệu cho du khách các khu, điểm, sản phẩm, dịch vụ du lịch Nam Định. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch phát sóng trên các kênh VTV1, VTV2, VTV3 như: Hành trình di sản “Nam Định vào xuân”; Du xuân “Tấm hộ chiếu của người Việt”; phim tài liệu “Những nhà hàng cổ ở châu Á” tại Nam Định; Nét đẹp dân gian và Nét ẩm thực Việt; chương trình “Around Việt Nam - Một vòng Việt Nam”. Phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thực hiện chương trình phát sóng trên kênh Văn hóa Việt (VTC10) với các chủ đề: “Những làng nghề độc đáo ở Nam Định”, “Gìn giữ và phát huy văn hóa làng nghề trong sản phẩm truyền thống”, “Nam Định bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch”... Cập nhật thông tin trên cổng thông tin khám phá mảnh đất, con người, văn hóa, du lịch Nam Định (thientruong.namdinh.gov.vn), trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube… như: Du lịch Nam Định, Nam Định Đất và người, Nam Định văn hiến, Nam Định trong tôi… và trên các trang web, cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ban, ngành trong tỉnh, trên ứng dụng VNeID… nhằm giới thiệu điểm đến du lịch, những giá trị di sản văn hóa, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương, tiêu biểu của tỉnh.
Với mục tiêu đón hơn 2 triệu lượt khách, năm 2025, Sở VH, TT và DL tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án “Phát triển du lịch gắn với khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn 2050”. Tăng cường chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch: thanh tra, kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; kiểm tra điều kiện tối thiểu tại các cơ sở lưu trú du lịch; công nhận hạng sao cho các cơ sở lưu trú du lịch, cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch. Chú trọng đào tạo nhân lực ngành Du lịch; xây dựng các kế hoạch: tổ chức khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch; bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho lao động tại các cơ sở lưu trú, nâng cao năng lực du lịch của cộng đồng địa phương. Tham gia gian hàng xúc tiến, quảng bá du lịch tại Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam”, Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân; gian hàng tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam. Xây dựng kế hoạch mời các đoàn Famtrip khảo sát các khu, điểm du lịch của tỉnh và tham dự một số sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch của các tỉnh bạn; qua đó đưa hoạt động du lịch Nam Định ngày càng phát triển, đóng góp ngày càng cao vào kinh tế - xã hội của tỉnh.