Bức ảnh từ biên giới Canada khiến cả thế giới sửng sốt

Ảnh chụp màn hình từ video của RCMP cho thấy người nhập cư băng qua biên giới Manitoba vào Canada, trong trang phục khó lòng chống chịu nổi nhiệt độ đang xuống tới -30 độ C.

 từ video của RCMP cho thấy nhóm người băng qua biên giới Manitoba vào Canada.

từ video của RCMP cho thấy nhóm người băng qua biên giới Manitoba vào Canada.

15 người đã bị bắt khi đang vượt biên trong điều kiện quá mạo hiểm vào Canada, khiến sự chú ý lại đổ dồn vào khu vực biên giới với Mỹ đang được theo dõi chặt chẽ, Guardian đưa tin hôm 7/2.

"Tình cảnh tàn khốc"

Cảnh sát Alberta (Canada) tuần qua đã ngăn chặn hai nhóm người đang cố gắng vượt biên trái phép vào Canada, trong đó có một nhóm có 5 trẻ em ăn mặc không đủ ấm để có thể chống chọi với cái lạnh có thể xuống tới -30 độ C vào thời điểm này trong năm.

Trợ lý Cảnh sát trưởng Alberta Lisa Moreland nói với các phóng viên ở Edmonton (thủ phủ tỉnh Alberta) rằng 9 người từ Venezuela được tìm thấy đang lội bộ qua tuyết dày và kéo theo những chiếc vali. Nhóm này đang trên đường đến Alberta và di chuyển trong thời tiết "vô cùng lạnh giá".

Một nhóm thứ hai, gồm 6 người lớn từ Jordan, Sudan, Chad và Mauritius, được tìm thấy trong một khu rừng gần biên giới Manitoba với Mỹ sau khi lọt vào thiết bị giám sát của một máy bay của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Canada (RCMP) sử dụng camera nhiệt.

Cả hai nhóm đều không có quần áo phù hợp với điều kiện giá lạnh vào thời điểm đó. Bà Moreland cho hay những người di cư có thể đã phải chịu đựng một "tình cảnh tàn khốc" tương tự vụ tử nạn thương tâm vì lạnh giá của gia đình Patel - cặp vợ chồng người Ấn Độ đã thiệt mạng cùng 2 đứa con, một mới biết đi và một bé 11 tuổi, gần biên giới vào năm 2022.

"Ở đây một phần vấn đề là vượt biên giới, còn một phần khác là câu chuyện nhân đạo", bà Moreland nói thêm. "Có những trường hợp đã không thể vượt qua điều kiện khắc nghiệt này".

Trong một vụ việc làm nổi rõ thực tế chết chóc tại biên giới phía bắc Canada trong mùa đông, một người đàn ông bị dẫn độ từ Canada đã bị đưa ra xét xử tại tiểu bang New York về tội buôn người hôm 6/2 liên quan đến cái chết của một phụ nữ mang thai 33 tuổi đến từ Mexico. Giới chức trách đã tìm thấy dấu chân trên tuyết dẫn đến một con sông ở New York, nơi nạn nhân trong vụ việc - cô Ana Vasquez-Flores - chết đuối vào tháng 12/2023.

Kể từ khi đắc cử, ông Donald Trump đã tập trung vào biên giới với Canada, cáo buộc đây là nguồn gốc của một lượng lớn fentanyl (đổ vào Mỹ) và tình trạng di cư bất hợp pháp - cả hai đều không có bằng chứng xác thực.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ cho biết 23.721 người đã bị bắt giữ trước khi vượt biên giới phía bắc trong năm tài chính vừa qua, tăng so với 2.238 người bị bắt giữ hai năm trước đó. Trong khi đó, các nhân viên biên giới đã bắt giữ 1,5 triệu người tại biên giới Mỹ với Mexico vào năm ngoái.

Nỗ lực đối phó với tổng thống Mỹ

Để xoa dịu tổng thống Mỹ, chính phủ liên bang Canada đã cam kết với ông Trump sẽ chi 1,3 tỷ CAD (900 triệu USD) để kiểm soát dọc theo biên giới, bao gồm hai máy bay trực thăng Black Hawk và máy bay không người lái.

Các thủ hiến tỉnh cũng cam kết các nguồn lực mới. Đầu năm nay, thủ hiến Alberta, bà Danielle Smith, cho biết tỉnh này sẽ thành lập một đơn vị tuần tra cảnh sát mới, với 50 cảnh sát trưởng có vũ trang, 10 máy bay không người lái giám sát thời tiết lạnh và một số chó nghiệp vụ phát hiện ma túy với chi phí 29 triệu CAD.

Bà Moreland nói rằng cảnh sát đang "làm tròn trách nhiệm bảo vệ biên giới" nhưng không ghi nhận vụ bắt giữ nào liên quan đến các nỗ lực mới về biên giới.

Thắng lợi của ông Trump năm ngoái - và lời cam kết ban hành lệnh trục xuất hàng loạt lớn nhất lịch sử - ban đầu đã khiến giới lãnh đạo chính trị ở Canada lo ngại rằng nước này có thể chứng kiến làn sóng người di cư chạy trốn về phía bắc và vượt qua các khu vực không được tuần tra của biên giới dài 8.850 km - như những gì đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

“Những gì chúng ta thấy trong những ngày và tuần sau khi ông Trump thắng cử chỉ là sự gieo rắc nỗi sợ hãi”, bà Abdulla Daoud từ Trung tâm tị nạn ở Montreal cho biết. “Và không có điều gì trong số những cảnh báo đó - về khả năng hàng trăm nghìn người sẽ đến biên giới - từng trở thành hiện thực”.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, hàng chục nghìn người Haiti đã chạy trốn đến Canada sau khi tổng thống chấm dứt cơ chế bảo vệ tạm thời cho nhóm người này. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Canada Trudeau đã đăng trên mạng xã hội rằng: “Đối với những người chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh, Canada sẽ chào đón các bạn, bất kể đức tin của bạn là gì. Sự đa dạng là sức mạnh của chúng tôi #WelcomeToCanada”.

Năm 2022, gần 40.000 người đã nhập cảnh vào Canada qua Đường Roxham, một lối đi không chính thức trong các khu rừng ở phía bắc New York, nơi đã trở thành điểm nóng chính trị trong những năm gần đây.

Năm 2023, Canada sửa đổi một thỏa thuận với Mỹ về biên giới, trên thực tế là đóng cửa Đường Roxham, chấm dưt tình trạng nhập cảnh qua đây. Việc đóng cửa đã ngăn chặn các lối đi không chính thức nhưng các yêu cầu xin tị nạn tại các cơ sở nhập cảnh kể từ đó đã tăng lên.

"Dữ liệu cho thấy nhiều người trong số đó - 83% - đã thành công tại tòa án. Phần lớn những người đến xin tị nạn thực sự đang gặp nguy hiểm và đang tìm kiếm sự an toàn khỏi sự đàn áp", bà Daoud cho biết.

Ngay cả giữa các nỗ lực đàn áp nhập cư và mối đe dọa trục xuất, Canada không ghi nhận sự gia tăng đáng kể nào về các lối đi không chính thức vào nước này. Bà Daoud cho biết làn sóng người chạy trốn đến Canada vào năm 2017 là những người dùng Mỹ làm nơi chuyển tiếp vì không có cách nào để họ xin tị nạn.

"Nhưng nay ông Trump đang nhắm mục tiêu vào những cá nhân ở Mỹ đã ở đó trong nhiều thập kỷ. Một số thậm chí còn sinh ra ở đó. Bây giờ, vấn đề đã hoàn toàn khác”, bà nhấn mạnh.

Theo quy định hiện hành, một người có thể nộp đơn xin tị nạn nếu không bị phát hiện ở Canada trong 14 ngày, từ đó nảy sinh những cuộc vượt biên nguy hiểm và có thể gây chết người. “Các quy định hiện hành và bối cảnh hiện tại là một rào cản lớn đối với hầu hết mọi người”, bà Daoud cho biết. “Nhưng chúng ta vẫn sẽ thấy nhiều người vượt biên vì thực tế là đó không phải là rào cản đối với những người không còn lựa chọn nào khác".

Dương Lam

Nguồn Znews: https://znews.vn/buc-anh-tu-bien-gioi-canada-khien-ca-the-gioi-sung-sot-post1529226.html
Zalo