Bữa sáng khó quên trên trận địa

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhóm cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 968 chúng tôi có dịp trở lại Tây Nguyên, nơi Sư đoàn từng tham gia Chiến dịch Tây Nguyên 50 năm trước.

Trong đoàn CCB trở lại chiến trường xưa cùng chúng tôi có Trung tá Nguyễn Hồng Lâm, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968... Ông Lâm bồi hồi nhớ lại: "Sau 6 năm chiến đấu và bảo vệ vùng giải phóng ở Nam Lào, ngày 20-12-1974, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh Trường Sơn giao nhiệm vụ: “Sư đoàn 968 chuẩn bị về miền Nam chiến đấu”.

Ngày hôm sau, 21-12-1974, Sư đoàn nhận được điện của Bộ Quốc phòng do Đại tướng Văn Tiến Dũng ký: “Ngày 6-1-1975, Sư đoàn phải có mặt tại Tây Nguyên”. Sáng 29-12-1974, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Trung tướng Hoàng Minh Thảo (sau này là Thượng tướng) giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 968: “Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn 968 sẽ đảm nhiệm hướng quan trọng, nhanh chóng thay phiên cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 đang đứng chân ở Pleiku và Kon Tum để hai sư đoàn này cơ động về hướng chính làm nhiệm vụ. Sư đoàn phải thu hút và tập trung sự đối phó của địch lên hướng phía Bắc Tây Nguyên, đồng thời kìm chân lực lượng của địch được càng nhiều càng tốt, cho đến ngày hướng chính của chiến dịch nổ súng”.

Đoàn cựu chiến binh thăm lại điểm cao Chốt Mỹ (xã Ia Din, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) ngày 3-3-2025 (Trung tá Nguyễn Hồng Lâm đứng thứ hai, từ trái sang; tác giả đứng ngoài cùng, bên phải). Ảnh do tác giả cung cấp.

Đoàn cựu chiến binh thăm lại điểm cao Chốt Mỹ (xã Ia Din, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) ngày 3-3-2025 (Trung tá Nguyễn Hồng Lâm đứng thứ hai, từ trái sang; tác giả đứng ngoài cùng, bên phải). Ảnh do tác giả cung cấp.

Chiều 1-3-1975, Trung đoàn 19 được lệnh nổ súng tiến công tiêu diệt cứ điểm Chốt Mỹ (nay thuộc xã Ia Din, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Đây là một cứ điểm trọng yếu trên một quả đồi tương đối rộng, sát phía Nam Đường 19 từ Đức Cơ đi Pleiku, án ngữ phía Tây Nam Pleiku, địa hình trống trải, độ cao trung bình 400m so với mực nước biển. Tại đây, địch bố trí đại đội 1 (Tiểu đoàn 67 thuộc Liên đoàn biệt động ngụy số 25). Phía tây nam địch bố trí 3 lớp hàng rào kẽm gai, có các bãi mìn chống bộ binh. Bên trong cứ điểm, địch xây dựng 3 lô cốt kiên cố, hầm ngầm, nối liền là hệ thống giao thông hào chằng chịt, có bao cát xếp cao hai bên. Cứ điểm này còn được pháo hạng nặng ở căn cứ Hòn Rồng, Bàu Cạn trực tiếp chi viện. Sau chừng một giờ tiến công, quân ta làm chủ trận địa, ngay sau đó, các đơn vị tiếp tục đánh chiếm Sở chỉ huy nhẹ của Tiểu đoàn 67 biệt động quân của ngụy.

Thời điểm đó (tháng 3-1975), Nguyễn Hồng Lâm mới được phong hàm Chuẩn úy, Trung đội trưởng Trung đội 2. Ngay trong đêm, Lâm cùng Trung đội 2 được lệnh lên chốt Sở chỉ huy nhẹ. Trước khi lên chốt, quản lý Đại đội đưa cho đồng chí Lâm nửa hộp thịt xay, một bát muối hột, hơn chục vắt cơm như quả cam và dặn cả chốt ăn trong một tuần.

Sáng hôm sau, toàn cảnh hoang tàn của trận địa hiện ra, mặt đất bị cày xới nham nhở bởi các loại đạn pháo cối, nhiều hầm hào bị sập, lở, không khí đặc quánh, khét lẹt mùi thuốc súng lẫn với mùi máu tanh nồng. Xác địch ngổn ngang, chết ở nhiều tư thế khác nhau, súng đạn, áo giáp, mũ sắt, ba lô vương vãi khắp nơi. Trung đội trưởng Lâm tập hợp Trung đội để phổ biến nhiệm vụ và cho anh em ăn sáng, đồng thời nói số thịt xay này (khoảng 200 lạng) và muối phải dành ăn trong một tuần. Anh em đồng thanh đề nghị cho ăn hết số thịt trong bữa sáng, các bữa sau ăn muối cũng được vì đánh nhau ác liệt chẳng biết sống chết thế nào.

Nhìn anh em mà rưng rưng nước mắt, Lâm gật đầu đồng ý. Ăn xong, khi Trung đội đang làm công tác thu dọn chiến trường, củng cố hầm hào thì máy bay A-37 bổ nhào ném bom, sau đó là những loạt pháo từ Hòn Rồng và Bàu Cạn trùm vào trận địa. Thôi thì đủ các loại pháo, từ pháo 105mm, 155mm đến cối 106,7mm thi nhau bắn vào trận địa ta, hết đợt này đến đợt khác. Không gian bị xé nát bởi tiếng rít của đạn pháo, mặt đất bazan bị cày xới đỏ như máu. Mắt của mọi người như bị lồi ra, tai bị ù, có chiến sĩ còn bị chảy máu tai bởi sức ép của bom đạn.

Sau khi pháo địch chuyển làn, quân ngụy bắt đầu tấn công. Chỉ với AK, trung liên RPD, B40, B41, lựu đạn... nhịn đói, khát dưới cái nắng như thiêu của mùa khô Tây Nguyên, đơn vị đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa. Mấy ngày giữ chốt, Đại đội 7 bị tổn thất nặng phải bổ sung quân liên tục. Nhiều chiến sĩ buổi tối hôm trước được bổ sung lên chốt đến sáng hôm sau đã hy sinh. Một lần, quả cối 106,7mm của địch bắn tới cắm vào đất trước mặt cách đồng chí Lâm và chiến sĩ Trọng, xạ thủ RPD quê Hòa Bình có vài mét, nhưng rất may là không nổ. Cơm nắm mang theo bị thiu, phải gọt bỏ phần vỏ ngoài mà ăn, dùng tay vốc nước vàng khè, nổi váng tanh mùi gang, sắt gỉ của mảnh đạn ở các hố pháo nổ để uống...

Khoảng chục ngày thì quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), địch rút chạy. Đại đội 7 được lệnh rời chốt cùng Sư đoàn 968 tiếp tục hành quân chiến đấu giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung.

Do tình hình rất khẩn trương nên đơn vị vừa hành tiến vừa đánh địch, lúc đi tắt đường rừng núi, lúc theo quốc lộ thì trưng dụng các loại xe của dân và của quân địch để chở thương binh. Trên đường hành quân, nhiều khi Đại đội phải nổ súng để tiêu diệt số binh lính địch ngoan cố. Xác xe tăng, xe bọc thép, xe GMC, các loại pháo, cối... cháy, khói đen nghi ngút. Các loại súng bộ binh cùng đạn dược như: AR15, M79, lựu đạn, mìn Claymore... quân địch bỏ lại đầy đường. Ngay trang bị cá nhân như mũ sắt, áo giáp, ba lô, giày da, giày vải, các loại quân phục vương vãi khắp nơi, do binh lính ngụy bỏ đi để trà trộn với dân thường. Nhiều xác lính ngụy nằm bên vệ đường.

Sau khi biết chính sách của ta đối với ngụy quân nên nhiều lính ngụy đã ra trình diện, một số người còn nài nỉ bộ đội viết giấy chứng nhận rằng họ đã tự nguyện đầu hàng. Lúc đó thì bộ đội viết bằng đủ các loại giấy kiếm được, kể cả giấy bạc trong bao thuốc lá, cũng chỉ có số phiên hiệu của đơn vị, không dấu má gì mà họ mừng rỡ, cảm ơn bộ đội rối rít.

Dọc quốc lộ, đi theo sau Đại đội 7 có khoảng 100 người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Họ ăn mặc luộm thuộm, nhếch nhác, nhiều người không có giày dép, đầu trần bồng bế nhau mỗi khi đơn vị dừng lại nghỉ giải lao, ăn cơm hoặc ngủ nghỉ buổi tối, họ cũng dừng lại ở gần bộ đội. Các chiến sĩ của ta hỏi ra mới biết, họ là vợ con của lính ngụy ở Tây Nguyên đang tìm đường về quê dưới đồng bằng nhưng đi theo bộ đội vì họ "sợ bị người Thượng giết". Họ không có lương thực, thực phẩm nên bộ đội còn nấu cơm cho họ ăn, lấy mũ tai bèo cho họ đội, tìm giày của địch bỏ lại cho họ đi và thay nhau bồng bế trẻ con giúp họ... Cứ thế mấy ngày, đến khi hết cao nguyên, họ mới nghẹn ngào chia tay bộ đội. Trước khi chia tay, đơn vị còn cho họ ít gạo, lương khô, thực phẩm để ăn trên đường về quê.

Cùng với các đơn vị khác của Sư đoàn 968, Nguyễn Hồng Lâm cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu giải phóng thêm nhiều nơi như: Thanh An, Thanh Bình, truy kích địch qua ngã Cheo Reo, Phú Bổn, sân bay Gò Quánh (Phù Cát) ở Bình Định, tham gia giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung, bảo vệ Quân cảng Cam Ranh, sân bay Thành Sơn (Phan Rang) cho đến ngày toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

LÊ LỢI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/bua-sang-kho-quen-tren-tran-dia-826071
Zalo