BSR rộng cửa chuyển sàn, hẹp cửa kinh doanh

Việc chuyển niêm yết sang sàn HoSE được dự báo sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trong ngắn hạn. Tuy vậy, với áp lực suy giảm giá dầu, BSR có thể sẽ phải đối mặt khó khăn từ đầu năm 2025.

Áp lực suy giảm giá dầu khiến BSR có thể gặp khó khăn.

Áp lực suy giảm giá dầu khiến BSR có thể gặp khó khăn.

Rộng cửa lên HoSE

Đầu năm 2018, BSR phát hành CP lần đầu (IPO) thành công và niêm yết CP trên sàn UPCoM. Ngay sau khi niêm yết trên UPCoM, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) này liên tục “úp mở” về kế hoạch chuyển niêm yết lên sàn HoSE nhằm gia tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản của CP BSR, từ đó giúp DN dễ dàng tiếp cận các dòng vốn trong và ngoài nước và hấp dẫn nhà đầu tư.

Tuy nhiên sau nhiều năm “ấp ủ", ngày 21-8 vừa qua, BSR mới nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ CP BSR lên sàn HoSE, tương ứng số vốn điều lệ hiện tại hơn 31.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến kế hoạch chuyển sàn của BSR bị "treo”, xuất phát từ việc Công ty Nhiên liệu sinh học miền Trung (BSR-BF) - công ty con của BSR, có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 1,5% tổng tài sản của BSR). Theo Khoản 1c, Điều 109, Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020, quy định DN niêm yết trên HoSE “không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết”.

Do quy định hiện hành không có hướng dẫn việc xem xét áp dụng tiêu chí này đối với báo cáo tài chính công ty mẹ, hay báo cáo hợp nhất, và theo cách vận dụng của các cơ quan quản lý thị trường là áp dụng với cả công ty con của DN muốn niêm yết.

Việc thiếu hướng dẫn cụ thể về tiêu chí liên quan đến các khoản nợ quá hạn của BSR-BF, khiến kế hoạch niêm yết CP trên HoSE nhiều năm liền bị lỡ hẹn. Tuy nhiên, với động thái mới nhất là gởi hồ sơ lên HoSE, khả năng BSR được chấp thuận niêm yết là rất cao, do DN này đã đáp ứng đủ các điều kiện sau khi nộp đơn phá sản cho công ty con BSR-BF. Nếu chuyển niêm yết sang sàn HoSE thành công, thì đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá CP trong ngắn hạn.

Hẹp cửa kinh doanh

BSR được thành lập năm 2008, là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh thấp mỗi năm, tương đương 148.000 thùng/ngày. BSR hiện chiếm khoảng 30% nhu cầu xăng dầu của Việt Nam.

Dù được quan tâm đầu tư mạnh, nhưng kể từ khi đi vào vận hành đến nay BSR rất hiếm khi có sự đột biến về kết quả kinh doanh, do phụ thuộc nhiều vào giá dầu thế giới. Thậm chí, DN này còn dính vào các bê bối về quản lý khi cựu Chủ tịch HĐTV Nguyễn Hoài Giang bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội danh "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo Điều 355 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Theo thống kê, lần ghi nhận sự khởi sắc gần nhất của BSR là năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận bật mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 167.124 tỷ đồng (tăng 65%), lợi nhuận sau thuế đạt 14.669 tỷ đồng (tăng 119%). Biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể từ 7,6% năm 2021 lên 9,6%.

Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu tăng mạnh, dẫn tới chênh lệch giá bán sản phẩm và giá dầu thô crack spread (chênh lệch giá sản phẩm đầu ra so với giá sản phẩm đầu vào trên một đơn vị sản phẩm) cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, sau kỷ lục của năm 2022, BSR lại rơi vào thế khó trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Theo báo cáo tài chính quý II, doanh thu của BSR sụt giảm 27,5% do ảnh hưởng từ đợt bảo dưỡng, khiến sản lượng tiêu thụ giảm 22,1%.

Đáng chú ý, lợi nhuận gộp lao dốc mạnh với mức giảm lên tới 57,7% do phát sinh chi phí đại tu, trong khi crack spread của 2 sản phẩm chủ lực là dầu Diesel và nhiên liệu bay (JetA1) diễn biến bất lợi vì nhu cầu tiêu thụ không đạt kỳ vọng. Dù crack spread bình quân các loại xăng tăng mạnh 15%, nhưng không đủ để bù đắp cho dầu Diesel và Jet A1.

Từ đầu quý III -2024 đến nay, crack spread dầu Diesel, xăng RON95, RON92 và Jet A1 tại châu Á sụt giảm lần lượt 44%, 24%, 48% và 42%. Nguyên nhân khiến crack spread năm 2024 yếu hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do tình hình tiêu thụ ảm đạm tại thị trường Trung Quốc, khiến tồn kho tại khu vực châu Á duy trì ở mức cao ngay trong mùa cao điểm.

Với tình trạng này, theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), nhận định trong giai đoạn cuối năm 2024, BSR chưa có động lực đáng kể nào có thể đảo ngược tình thế cho thị trường xăng dầu trong khu vực.

Khó kỳ vọng bứt phá

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã điều chỉnh hạ dự phóng nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu năm 2024 và 2025 lần lượt 6% và 3,5%. Đợt điều chỉnh này chủ yếu đến từ việc các dữ liệu kinh tế của 2 nhà tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, đang cho thấy bức tranh kém khả quan.

Về phía cung, OPEC+ (tính thêm Nga) đã thống nhất hoãn lộ trình tăng sản lượng tới cuối tháng 11-2024, để chống đỡ đà giảm của giá dầu. Tuy nhiên, với việc bất ổn chính trị tại Libya đang có dấu hiệu cải thiện, đã giải tỏa lo ngại thiếu hụt nguồn cung và gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu thô trong ngắn hạn.

Vì vậy, KBSV tạm thời duy trì giả định mức giá cả năm 2024 đạt 83USD/thùng và giảm về 80USD/thùng trong năm 2025.

Trong bối cảnh giá dầu giảm kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh kém tích cực, thông tin chuyển niêm yết được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá cho BSR. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử giá của BSR, giới đầu tư sẽ nghiêng về xu hướng thận trọng. Lấy dẫn chứng từ năm đỉnh cao 2022 của BSR với kết quả kinh doanh khởi sắc, nhưng giá CP cũng tăng không đáng kể, thậm chí còn điều chỉnh mạnh sau đó.

Chính vì vậy, trong tình thế không được thuận lợi như hiện nay, BSR cũng khó có đột biến khi chuyển sàn. Đây cũng là lý do KBSV đưa ra khuyến nghị “trung lập” với giá mục tiêu của BSR là 24.400 đồng/CP, tương đương với mức tăng chỉ 5,2% so với giá đóng cửa 23.200 đồng/CP phiên giao dịch ngày 10-9.

Giá dầu thô giảm mạnh có thể tác động tiêu cực tới KQKD của BSR theo 2 hướng: làm giảm giá các sản phẩm lọc dầu đầu ra và làm giảm giá trị hàng tồn kho, khiến DN phải trích lập dự phòng, làm suy giảm lợi nhuận gộp.

KIM GIANG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/bsr-rong-cua-chuyen-san-hep-cua-kinh-doanh-post117180.html
Zalo