Bóng đá Việt Nam nhìn từ Asian Cup 2023: Khoảng cách châu lục đã được thu hẹp
Qatar trở thành nhà vô địch châu Á sau chiến thắng 3-1 trước Jordan. Nhìn rộng ra, đây là trận chung kết châu lục hiếm hoi không có sự hiện diện của nhóm 'big 5' Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia và Australia. Điều này cho thấy khoảng cách giữa các ông lớn của bóng đá châu Á và phần còn lại đã được thu hẹp. Cơ hội nào cho đội tuyển Việt Nam trong những trận đấu sắp tới?
Thu hẹp khoảng cách
Nhóm “big 5” thống trị ở châu Á trong nhiều thập kỷ, họ gần như độc chiếm các suất tham dự World Cup của châu lục này. Kể từ năm 1994, trong số 22 suất mà châu Á giành được tại FIFA World Cup thì chỉ có 2 lần (Trung Quốc năm 2002 và Triều Tiên năm 2010) là nằm ngoài nhóm này.
Nhưng những gì diễn ra tại Asian Cup 2023 cho thấy thời thế đã thay đổi. Qatar và Jordan góp mặt trong trận chung kết, khi vượt qua các ông lớn châu lục.
Chức vô địch châu lục thứ hai liên tiếp của Qatar cũng như màn trình diễn của các quốc gia như Jordan, Uzbekistan, Iraq và Tajikistan - “ngựa ô” của giải đấu, cho thấy có một sự chuyển dịch của bản đồ bóng đá châu Á. Theo đó, khoảng cách giữa những đội giỏi nhất lục địa và phần còn lại không còn rộng như trước đây. Hoặc ít nhất, nó không thể hiện ở Doha.
Điều này phù hợp với xu hướng của bóng đá thế giới, khi các trận đấu ngày càng toàn cầu hóa, dễ dàng tiếp cận thông tin và dữ liệu để thúc đẩy sự tăng tốc nhanh chóng về năng lực chiến thuật, sự chuẩn bị về thể chất và khả năng kỹ thuật của các đội bóng hạng trung bình.
Bóng đá châu Á giờ đây đã hiểu rõ về tầm quan trọng của khâu đào tạo trẻ, mô hình Học viện Aspire của Qatar hoặc chiến lược các tuyến U của Uzbekistan là ví dụ điển hình. Việc mở rộng Asian Cup cũng đóng một vai trò quan trọng.
Với việc chuyển sang thể thức 24 đội giúp các quốc gia có nền bóng đá trung bình tiếp xúc nhiều hơn với bóng đá đỉnh cao. Tương tự, tại World Cup 2026, khi số suất dự tăng lên, không chỉ các quốc gia hàng đầu mà còn cả những quốc gia hạng trung bình cũng có thêm nhiều động lực để nỗ lực, hoàn thành mục tiêu.
Nhìn rộng ra, Asian Cup 2023 cho thấy cơ hội vẫn luôn rộng mở đối với những đội bóng như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… Nếu các đội bóng phát huy năng lực, chiến lược và chuyên môn đúng thời điểm, thì họ vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn châu lục như cách mà Jordan, Iraq, Uzbekistan… vừa thể hiện.
Cơ hội nào cho đội tuyển Việt Nam?
Về cơ bản, thầy trò HLV Troussier thất bại tại giải đấu châu lục. Không những không hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng bảng, nhiều người tỏ ra nghi ngờ sự hiệu quả của lối chơi kiểm soát bóng mà HLV người Pháp đang áp dụng cho các đội tuyển Việt Nam.
Về lý thuyết, đó là cách chơi hiện đại mà nhiều nền bóng đá áp dụng để thành công. Tuy nhiên, việc phù hợp với thể trạng, năng lực thực tại của nền bóng đá Việt Nam, đến nay vẫn là câu hỏi đối với nhiều người và bản thân HLV Troussier. Có 2 luồng ý kiến trái chiều liên quan đến công việc của HLV Troussier. Thứ nhất là sự ủng hộ và kêu gọi cho thêm thời gian để cựu HLV đội tuyển Nhật Bản thể hiện tại Việt Nam, vì triết lý của ông mới hoàn toàn so với những HLV tiền nhiệm.
Thứ hai, giới chuyên môn cho rằng lối chơi kiểm soát bóng có vẻ không phù hợp với đội tuyển Việt Nam hoặc chưa hiệu quả trong cách tiếp cận khung thành đối phương. Từ đó họ cho rằng HLV Troussier, bằng cách nào đó phải có sự điều chỉnh cho đội tuyển Việt Nam, nếu muốn thành công trong thời gian tới.
Tại Asian Cup 2023, những đội bóng trung bình như Jordan luôn sử dụng lối chơi phòng ngự chặt chẽ để đối đầu với các đội bóng lớn. Thành công mà họ tạo ra là rất đáng kể. Trong khi đó, có những đội bóng kiểm soát bóng rất tốt, nhưng khả năng tận dụng cơ hội, tiếp cận khung thành rất hạn chế.
Theo thống kê, không đội nào ở Doha cầm bóng nhiều hơn đội tuyển Hàn Quốc (tỉ lệ kiểm soát bóng lên tới 69,6% trong suốt giải đấu), nhưng đội bóng của HLV Klinsmann luôn thiếu những “cú đấm” quyết định, dù họ sở hữu nhiều cầu thủ chất lượng.
Theo các chuyên gia bóng đá châu Á, Asian Cup 2023 mang đến nhiều hy vọng cho các đội bóng “chiếu dưới” với cách chơi phòng thủ chặt, phản công nhanh và chắt chiu cơ hội. Đây được xem là một cách tiếp cận hợp lý, nếu muốn đánh bại các đối thủ hàng đầu.
Có thể thấy trong số các đội bóng Đông Nam Á dự giải châu lục, chỉ có Việt Nam là hướng đến lối chơi kiểm soát bóng. Các đội như Indonesia, Thái Lan đều chọn lối chơi phòng ngự - phản công và họ đã vượt qua vòng bảng, trong khi thầy trò HLV Troussier không thành công tại Doha.