Bốn tỉnh bắt tay nâng giá trị cho ngành dừa
Đồng bằng sông Cửu Long với 88% tổng diện tích dừa cả nước. Riêng Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long chiếm 80% ngành dừa.
Khắc phục những tồn tại mà ngành hàng dừa đang đối diện, nhất là năng lực liên kết và tổ chức sản xuất của các tác nhân trong chuỗi giá trị sẽ giúp các tỉnh có sản xuất và chế biến dừa nâng cao giá trị gia tăng và lợi nhuận.
Liên kết để xuất khẩu
HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre, có 515 thành viên, với hơn 600 ha dừa đạt chuẩn hữu cơ.
Từ năm 2020, HTX đã liên kết với Tổ chức FLO trồng dừa đạt tiêu chuẩn thương mại công bằng (Fairtrade) với diện tích hơn 436 ha. Tổ chức FLO sẽ đặt hàng sản phẩm dừa của HTX thông qua Betrimex.
Từ đơn hàng xuất khẩu hàng năm, Tổ chức FLO trích lại từ 10-15% tổng giá trị để HTX thực hiện các công trình phúc lợi tại địa phương. Số dừa còn lại, HTX bán qua công ty với giá ổn định theo chuẩn dừa hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Chúc, Giám đốc HTX cho biết, từ số tiền trích lại, HTX mua phân hữu cơ tặng cho thành viên để cải tạo, chăm sóc vườn dừa. Mục tiêu của HTX hướng đến canh tác hoàn toàn hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Thị trường nhập khẩu dừa hữu cơ yêu cầu HTX phải trực tiếp đứng tên vùng nguyên liệu. Do đó, doanh nghiệp tham gia liên kết cùng HTX. “Nông dân trồng dừa gắn với HTX là gắn với chuỗi giá trị và sự ổn định lâu dài về đầu ra”, ông Chúc nói.
Bà Trần Quế Trang, Tổng Giám đốc Betrimex, cho biết công ty hiện tiêu thụ trên 800 ngàn trái dừa/ngày. Công ty đang liên kết với 30 ngàn hộ ở tại 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh để thu mua dừa nguyên liệu chế biến ra nhiều dòng sản phẩm.
Để thực hiện liên kết, công ty tổ chức đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, và thu mua dừa theo hợp đồng. Đội ngũ này cũng phối hợp với nông dân, HTX tạo thêm công ăn việc làm tại địa phương như sơ chế dừa, vận chuyển về nhà máy. Betrimex sẽ tiếp tục mở rộng liên kết, bao tiêu sản lượng dừa đạt tiêu chuẩn, bà Trang chia sẻ thêm.
Chưa phát huy hết tiềm năng trong chuỗi
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Trong đó, dừa là 1 trong 6 loại cây công nghiệp chủ lực quốc gia.
Dừa được trồng phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long với 88% tổng diện tích dừa cả nước. Riêng 4 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long chiếm 80% tổng diện tích trồng dừa.
Từ 2018, Ban Điều hành liên kết 4 tỉnh này được thành lập để thực hiện các hoạt động liên kết tiểu vùng. Ngành hàng dừa được chọn làm không gian liên kết vì dừa là sản phẩm chủ lực và tiềm năng của cả 4 tỉnh.
Hoạt động này đã thúc đẩy chuỗi giá trị dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển từ khâu cung cấp cây giống đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đặc biệt là trong sản xuất, chế biến. Gần đây, khâu xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, hoặc mô hình trồng dừa kết hợp với du lịch cũng góp phần tạo thêm giá trị gia tăng và lợi nhuận cho toàn chuỗi.
Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, chuỗi giá trị dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn những hạn chế, cản trở việc nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi.
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Son, Trường Đại học Cần Thơ, hạn chế lớn nhất hiện nay trong ngành dừa là liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi còn lỏng lẻo.
Liên kết ngang giữa các hộ trồng dừa thông qua hình thức tổ hợp tác, HTX, phần lớn chỉ mới dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chứ chưa thực hiện được hình thức cung ứng và tiêu thụ tập trung.
“Khâu sơ chế biến chỉ mới dừng lại ở mức độ thỏa thuận không chính thức về phân vùng thu mua nguyên liệu, chưa hình thành liên kết ngang để thống nhất giá cả và chất lượng”, TS Nguyễn Phú Son nói.
Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, cũng cho rằng ngành dừa còn nhiều yếu kém từ khâu hợp tác, sản xuất nguyên liệu, tạo ra sản phẩm, phân phối, xúc tiến thương mại, đầu tư công nghệ và vốn.
Liên kết trong quan hệ thương mại giữa các tác nhân toàn chuỗi còn lỏng lẻo, khiến ngành dừa chịu tác động lớn của cơ chế thị trường. Tỉnh Bến Tre không ít lần đối mặt với thách thức này, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý nguồn nguyên liệu, duy trì sự ổn định về giá cả.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Bến Tre cần tập trung giải quyết nhanh việc xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị dừa. Điều quan trọng nữa là xây dựng cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân và HTX.
Sự ổn định giá dừa là cần thiết để nông dân, HTX trồng dừa có thu nhập cao, hợp tác với doanh nghiệp quản lý vùng nguyên liệu, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đề nghị.
Vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị
Diện tích trồng dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, với hơn 27.520 ha. Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết các doanh nghiệp chỉ mới xây dựng hơn 5.276 ha vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt chuẩn xuất khẩu. Sản lượng còn lại chủ yếu bán cho thương lái.
Từ 4.000 ha trước năm 2000, diện tích dừa tỉnh Bến Tre tăng lên gần 79.900 ha vào năm 2024. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, tập quán canh tác dừa ở Bến Tre vẫn theo hình thức nông hộ, quy mô nhỏ. Toàn tỉnh có trên 250 ngàn hộ trồng dừa với diện tích bình quân 0,4 ha/hộ.
Vì thế, tổng diện tích tuy lớn, thu nhập bình quân từ dừa bền vững, thế nhưng mức thu nhập này không ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào mùa vụ và thời tiết. Đóng góp của ngành dừa chưa tương xứng với tiềm năng, còn hạn chế trong cơ cấu thu nhập chung của nông hộ.
Đến nay, Bến Tre có 34 HTX, 32 tổ hợp tác với quy mô hơn 13.297 ha và hơn 6.550 thành viên. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển kinh tế tập thể; và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết.
Đồng thời, tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp đủ mạnh để chủ động tham gia vào chuỗi. “Doanh nghiệp sẽ giữ vai trò hạt nhân kết nối thị trường; chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị”, ông Đức cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, trước năm 2020, nhiều nông dân loay hoay chặt đốn cây dừa rồi không biết trồng cây gì, nuôi con gì. Nhưng khi vận động các “nhà” tham gia chuỗi giá trị, cây dừa đảm bảo tốt sinh kế cho nông dân mà không cần chuyển đổi cây trồng khác.
Thời gian qua, nhiều chuỗi liên kết đã hình thành trên cơ sở kết nối nông dân, HTX, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các tổ chức tín dụng. Trong đó, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn theo hình thức liên kết với nông dân, HTX.