Bổn phận của một Sa-môn

NSGN - Từ bây giờ, là người mới xuất gia, nhiệm vụ của các con là sửa đổi và phát triển bản thân. Các con cần luôn nhớ rằng giờ mình thuộc về một thành phần khác với những gia chủ và những người bình thường ở thế gian.

Ở đây, chúng ta sống để thấy sự nguy hiểm và bất lợi của luân hồi, vòng luẩn quẩn của chết và tái sinh. Bổn phận của chúng ta là làm cho những phẩm chất của một Sa-môn (Samana) phát sinh trong ta - trong ý nghĩa là trở thành người có lối sống an bình.

Chúng ta phát triển những thân hành bình an. Thân ta - với từng bộ phận của nó - không được sử dụng theo cách của một kẻ ngốc. Hành vi của chúng ta phải là hành vi của người trí. Điều đó có nghĩa là biết sống khiêm tốn, biết tôn trọng và sống hòa đồng với nhau, không bị cuốn theo ý thức về bản ngã - hoặc có thể nói là sự kìm giữ thân. Tương tự, lời nói của chúng ta cũng cần phải được gìn giữ, vì nó có thể là nguồn gốc của tất cả các điều tốt, xấu. Chúng ta cần biết cách sử dụng lời nói một cách tốt đẹp. Nếu lời nói của chúng ta dựa trên sự khiêm tốn, chúng ta sẽ không gặp rắc rối. Do đó, khi tu tập với mục đích bảo vệ, chúng ta cần tiếp tục quan sát bản thân - dưới mọi hình thức, cả thân hành và lời nói - áp dụng chánh niệm và giữ thân theo các tiêu chuẩn đào tạo của tu viện. Bằng cách này, ta sẽ không rơi vào tâm mê lầm, hay tâm trạng thấp hèn, thô tục. Tâm thiếu chánh niệm là đặc điểm của chúng sinh ở thế gian, có khả năng làm tất cả những điều xấu hoặc cư xử theo các kiểu thoái hóa. Họ đang đi theo con đường bất thiện: sân hận, tham ái và si mê hay những cái được gọi là vô minh.

Việc trở thành Sa-môn nên dần dần tạo ra những thay đổi theo hướng tốt lành. Sau khi tham gia khóa đào tạo, chúng ta sẽ phải thực hành lối sống của một người thấy cuộc sống có thể có lợi như thế nào. Chúng ta sẽ phải quan tâm nhiều đến bản thân, phát triển những phẩm chất trung thực và thẳng thắn trong tâm trí của ta. Chúng ta cần duy trì hành vi đạo đức tốt, và sở hữu hiri (tàm), cảm giác xấu hổ khi làm bất cứ điều gì xấu. Có cảm giác xấu hổ khi thực hiện những hành động xấu cũng sẽ khiến ta cảm thấy thận trọng, cân nhắc, vì ta biết rằng những hành động xấu sẽ không dẫn đến tự do. Phẩm chất này được gọi là ottappa (quý).

Vì vậy, đây là một số điều cần ghi nhớ khi chúng ta bắt đầu rèn luyện bản thân. Chúng ta tác ý tuân giữ hành vi đạo đức (sila) và phát triển tâm thanh tịnh. Sila thực ra có nghĩa là tinh khiết. Đó là tác ý yêu thương, thân thiện, hoặc ý hướng tôn trọng quyền của người khác, quan tâm đến bất cứ điều gì người khác làm. Và chúng ta nên bắt đầu liên hệ với môi trường sống theo cách kiểm tra và quán sát nó, vì mục đích tìm kiếm sự thật của thực tại, saccadhamma (diệu pháp). Đây là một số khía cạnh mà các con cần phát triển sự hiểu biết và giáo dục bản thân trên lĩnh vực đó.

Theo gương của các bậc giác ngộ, chúng ta sống như một người biết đủ, có ít ước muốn...

Theo gương của các bậc giác ngộ, chúng ta sống như một người biết đủ, có ít ước muốn...

Một khía cạnh khác là cách chúng ta sử dụng các giác quan của mình để giao tiếp và tương quan với thế giới. Chúng ta có mắt, tai, mũi, lưỡi, cảm giác xúc giác và tâm trí. Có mắt, chúng ta cần biết cách bảo vệ chúng. Với đôi mắt này chúng ta có thể làm phát sinh cả thiện và ác. Điều này cũng đúng với tai, v.v. Nếu có cả thiện và ác, chúng ta cần các kỹ năng để sắp đặt và chọn các khía cạnh tốt. Ví dụ, nếu mắt nhìn thấy thứ gì đó làm nảy sinh cảm giác bị cuốn theo sức mạnh của cảm xúc hoặc ham muốn nhục dục, chúng ta cần biết cách kiểm soát bản thân. Nếu điều này xảy ra thì phải sử dụng các kỹ thuật thiền định như quán sát thân. Hoặc ta sẽ quán chiếu kinh nghiệm của mình về mặt cảm xúc, khi chúng biểu hiện dưới hai phạm trù của pháp thế gian: muốn và không muốn. Chúng ta thấy chúng là những hiện tượng đang sinh khởi và hoại diệt. Chúng chỉ là những trạng thái tồn tại tạm thời. Những phẩm chất của ổn định và độ bền không thể được tìm thấy trong chúng. Đây là lý do tại sao Đức Phật cảnh báo chúng ta phải thận trọng và kiềm chế bất cứ khi nào mắt nhìn thấy sắc, tai nghe thấy âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm nhận xúc chạm, hoặc ý phát sinh trong tâm. Ngài khuyên chúng ta nên chánh niệm, cảnh giác, không để cho các trải nghiệm không được thanh lọc một cách khôn ngoan được xuất hiện. Đây là một khía cạnh khác mà các con, với tư cách là Sa-môn, sẽ phải học tập: chúng ta luôn phải thanh lọc.

Tiếp theo, trong việc tu tập của chúng ta có chủ đề làm thế nào để tương quan các nhu cầu cần thiết của một nhà sư (y áo, thực phẩm, nhà ở và thuốc men) với những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Theo gương của các bậc giác ngộ, chúng ta sống như một người biết đủ, có ít ước muốn. Chúng ta đi trên con đường an toàn của những người sống với các trạng thái tâm vượt thế gian. Cách để thực hành đối với những điều kiện cần thiết của chúng ta là biết đủ. Nếu chúng ta nhận được ít, thế là đủ. Nếu chúng ta nhận được nhiều, thế là đủ. Ngay cả khi không nhận được gì cả, thế là đủ. Chúng ta sẽ phát triển để trở thành một người luôn luôn có đủ. Điều đó có nghĩa là, ta hạnh phúc với bất cứ điều gì xảy đến. Với cách sống như thế trong tu viện, thì những điều này sẽ không trở thành một trở ngại, mà chúng ta có tất cả cơ hội để tiếp tục việc tu học, và luôn quán sát bản thân, chỉ dựa vào việc sống ẩn dật và bình an. Chúng ta dựa vào tất cả các cơ hội đã được trao cho chúng ta trong lối sống này. Chúng ta thực sự không phải bận tâm về bất cứ điều gì khác. Ngay cả việc liên quan đến thế giới và xã hội: chúng ta cũng không phải lo lắng. Chúng ta không sống trong xung đột với bất cứ ai. Chúng ta chỉ sống vì lợi ích tạo ra cho bản thân và người khác. Khi chúng ta không xung đột với người khác, một phẩm chất nảy sinh trong tâm khiến ta được người khác chấp nhận. Đấy là nhiệm vụ của chúng ta.

Phẩm chất của sự nỗ lực tinh tấn là một khía cạnh khác của đời sống xuất gia khiến việc trải nghiệm sự hoàn hảo phải thể hiện ngay nơi chúng ta, trong chính chúng ta. Hoàn hảo có nghĩa là hoàn toàn trưởng thành, luôn sẵn sàng, và trong tâm thế chuẩn bị. Sự hoàn toàn chuẩn bị có nghĩa là không còn bất kỳ vấn đề nào nữa. Đây là trường hợp của người với tâm trí hoàn toàn giác ngộ và tỉnh giác, người đã vượt qua “Bậc trí của một đêm - Nhất dạ hiền giả” (theo trích dẫn trong kinh Bhaddekaratta(1)), nơi không còn bóng tối, và không còn cảm giác bị áp bức, gây sân hận. Một trạng thái thoải mái thấm đẫm trí não của người ấy, và cảm giác tươi mới, mát mẻ ngập tràn trong tim.

Vì vậy, chúng ta cần phải siêng năng trong các nhiệm vụ của mình. Đây là sự thực hành, quán sát, coi trọng cuộc sống của chúng ta. Một cơ hội như thế này là rất hiếm. Cuộc sống của chúng ta thực sự ngắn ngủi. Chúng ta không có nhiều thời gian như vậy. Đức Phật đã so sánh chúng ta với những giọt sương khô dưới ánh mặt trời, hoặc với gia súc bị kéo đi giết thịt. Thực sự nó là như thế. Thời gian cứ trôi qua, nhưng nó không chỉ đơn thuần trôi qua. Sự thật của tự nhiên là hình dạng thân thể của chúng ta tiếp tục xấu đi cho phù hợp với những khoảng thời gian đã trôi qua. Có thể là tóc trên đầu bắt đầu rụng, hoặc răng đã từng cứng rắn, bắt đầu trở nên lỏng lẻo. Thị lực của chúng ta từng rõ ràng và sáng sủa có thể trở nên mờ nhạt, và đôi tai đã từng có thể nghe rõ ràng, chính xác, giờ thậm chí có thể không xác định được âm thanh phát ra từ nơi nào nữa. Đôi khi tiếng động phát ra từ hướng Bắc, nhưng chúng ta quay đầu về hướng Nam. Chúng ta sẽ ngày càng mắc nhiều sai lầm. Khi cuộc sống trôi qua, hành vi của chúng ta sẽ trải qua nhiều thay đổi, vì vậy ta cần hiểu những quá trình này của cuộc sống. Chúng ta phải ý thức rằng thời gian trôi qua và thấy rằng giá trị của việc thay đổi bản thân theo hướng sống trong trải nghiệm của một tâm trí thuần khiết và bình an, không lẫn lộn và với một trái tim thoải mái.

Chúng ta phải ý thức rằng thời gian trôi qua và thấy rằng giá trị của việc thay đổi bản thân theo hướng sống trong trải nghiệm của một tâm trí thuần khiết và bình an, không lẫn lộn và với một trái tim thoải mái...

Chúng ta phải ý thức rằng thời gian trôi qua và thấy rằng giá trị của việc thay đổi bản thân theo hướng sống trong trải nghiệm của một tâm trí thuần khiết và bình an, không lẫn lộn và với một trái tim thoải mái...

Chúng ta chỉ cần sáng suốt, không lẫn lộn là có thể sống thoải mái. Chúng ta không thể khỏe mạnh khi tâm loạn động. Khi sức mạnh của uế nhiễm, tham ái đang thiêu đốt, ta trở nên nóng nảy, và không thể tìm thấy bất kỳ sự bình an nào. Chúng ta bị cưỡng bức để trở thành nô lệ cho những ham muốn của bản thân. Chúng ta luôn nghĩ rằng có điều gì đó tốt hoặc tốt hơn hoặc tốt nhất, sẽ mang lại hạnh phúc cho ta, nhưng thực sự trước mắt không có điều gì như thế. Vì thế, Đức Phật dạy chúng ta phải thấy sự nguy hiểm khi suy nghĩ theo cách này. Đừng chấp tâm vào việc coi tham ái là điều tích cực. Chúng là chất độc. Nếu ta nuốt chất độc, nó sẽ đầu độc ta, khiến ta cảm thấy không khỏe. Chúng ta sẽ gặp rắc rối sâu đậm, và bị thiêu sống bởi dukkha. Đuổi theo tham ái sẽ khiến ta rơi vào hố sâu thay vì cho ta cơ hội trải nghiệm điều tối thượng. Chúng ta sẽ chìm vào vị trí thấp kém, vào những tình huống thảm khốc. Điều này trái ngược với con đường tiến bộ trong sự phát triển của chúng ta. Thật không tốt chút nào.

Vì vậy, hiện tại các con có cơ hội, hãy cố gắng tu tập. Luôn luôn. Hãy đi trên con đường mà Đức Phật đã chỉ bày. Con đường này là sự thực hành đúng đắn. Con đường của Đức Phật hoàn hảo trọn vẹn: tu tập giới, tu tập định và tu tập tuệ. Đừng để cuộc sống của các con giống như người thế gian ngoài kia. Cuộc sống của họ cứ đi theo dòng chảy ảo tưởng. Nếu cảm giác dễ chịu phát sinh, họ hạnh phúc. Nếu cảm giác khó chịu xuất hiện, họ trở nên buồn bã, vì vậy họ háo hức đuổi theo những cảm giác dễ chịu và ghét bỏ hoặc cố gắng loại bỏ những cảm giác khó chịu. Thật không đáng công. Thử nghĩ xem. Con người chúng ta không nên để lạc lối trong ảo tưởng của mình đến mức độ đó. Chúng ta nên biết điều gì tốt hơn thế. Rồi thì, mọi thứ sẽ đem lại lợi lạc cho ta.

Vì vậy, hãy quyết tâm và hăng hái - tất cả mọi người - để đảm nhận những nhiệm vụ mang tên Sa-môn (Samana) này của chúng ta. Hãy làm điều này, như thể Sa-môn là một bảo tháp, một nơi tôn kính, thực sự đáng được tôn thờ và kính trọng. Tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của các con theo cách này. Dựa vào cơ hội này để hoàn thành nhiệm vụ của mình, chúng ta sẽ là tấm gương và là người hướng dẫn cho kẻ khác, người tạo ra lợi ích và phẩm chất hữu dụng cho tương lai. Vì vậy, tất cả chúng ta hãy hăng hái, nỗ lực với tất cả tâm trí. Nguyện cho tất cả chúng ta hoàn thành những bổn phận này của một Sa-môn một cách trọn vẹn và hoàn hảo.

Luang Por Liem Thitadhammo, một Tăng sĩ Phật giáo theo truyền thống tu trong rừng (Forest Monastery), sinh ở tỉnh Sri Saket thuộc Đông Bắc Thái Lan vào ngày 5-11-1941. Sau khi thọ Đại giới ở tuổi 20, ngài tu học ở một số chùa làng khắp vùng Đông Bắc cho đến khi gia nhập hệ phái tu trong rừng năm 1969. Ngài tu học dưới sự hướng dẫn của Đại Trưởng lão Luang Pu Chah (Ajaan Chah). Dưới đây là bài pháp thoại của ngài Luang Por Liem, hướng dẫn hai thành viên của cộng đồng Wat Pah Nanachat đi vào đời sống xuất gia, trở thành thiền sinh ở tu viện Wat Nong Pah Pong vào ngày 19-2-2003 (Phật lịch 2546).

Ajahn Kevali, người Đức, là dịch giả từ tiếng Thái. Ngài là viện chủ tu viện Wat Pah Nanacha, cũng là đệ tử của Đại Trưởng lão Ajahn Chah.

______________

Diệu Liên Lý Thu Linh (Chuyển ngữ theo Duties of a Samana, forestsangha.org)

(1) Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pāli “Bhaddekaratta” qua tiếng Việt là “Nhất dạ hiền giả”.

Luang Por Liem Thitadhammo/Nguyệt san Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/bon-phan-cua-mot-sa-mon-post74452.html
Zalo