Bơm tín dụng cho tăng trưởng sẽ là 'con dao 2 lưỡi'?
Trao đổi ĐTTC, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính nhận xét, tăng trưởng tín dụng sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế nhưng phải phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, ngược lại sẽ là 'con dao hai lưỡi.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, kịch bản năm 2025 phải đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8%, nhưng để hỗ trợ cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng này có cần phải tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2025?
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH: - Trước hết, tôi xin nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 mà Quốc hội đặt ra chỉ có 7%, còn 8% là của Chính phủ dự kiến và kỳ vọng, và cũng chưa có bất kỳ văn bản nào từ Chính phủ hay Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng 8%.
Song ở đây có 3 vấn đề cần phải lưu ý. Thứ nhất, Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 8%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao chỉ 7%, thì cần xác định đâu là mục tiêu chính cần hướng đến. Nếu 8% phải có nghị quyết rõ ràng để làm cơ sở tăng tổng mức vốn tín dụng.
Nếu để kịch bản tăng trưởng 7% và cùng với đó dự kiến tổng mức tín dụng tăng 16% như NHNN đưa ra, tôi cho rằng đã cao hơn cả năm 2024 rồi. Do vậy cần phải xác định chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế nào, để từ đó làm căn cứ cho tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Thứ hai, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, không có gì thay đổi lớn về động lực cho tăng trưởng kinh tế, nên tăng trưởng kinh tế - đặc biệt là của khu vực ngoài Nhà nước, vẫn phải trông chờ vào nguồn vốn tín dụng. Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, vốn tín dụng NH đang chiếm đến hơn một nửa tổng lượng vốn cung cho nền kinh tế, nên gắn tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chưa có sự thay đổi mang tính chất đột phá nào về cơ cấu vốn, cũng như cơ cấu đóng góp các nguồn khác, thì đây là điều rất cần cân nhắc.
Thứ ba, trong năm nay bản thân các doanh nghiệp, ngoài vấn đề khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn là câu chuyện sử dụng hiệu quả vốn vay ở mức độ nào. Hay nói đúng hơn, họ có có thể tăng được hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng hay không cũng là vấn đề rất quan trọng.
Theo tôi biết, hiện nay nhiều NH rất mong muốn cho vay vốn, song hiệu quả vốn tín dụng không cao nên đã làm hạn chế khả năng trả nợ, khả năng chịu đựng lãi suất. Năm 2025, liệu NHNN có tiếp tục hoãn, giãn nợ nữa hay không, đây là điều các doanh nghiệp cũng đang quan tâm lúc này, bởi tính đến thời điểm hiện nay Chính phủ và NHNN vẫn chưa có bất kỳ văn bản nào đề cập đến việc có kéo dài hoãn, giãn nợ hay không.
Và như vậy sẽ dẫn đến hai trường hợp xảy ra. Một là nếu tiếp tục chính sách kéo dài hoãn, giãn nợ, tình hình hoạt động doanh nghiệp và tăng trưởng tín dụng dường như sẽ vẫn như cũ. Hai là nếu Chính phủ và NHNN chấm dứt chính sách hoãn, giãn nợ như đã nói trên, có thể từ năm nay áp lực trả nợ NH của các doanh nghiệp còn lớn hơn rất nhiều so với áp lực nhu cầu vay nợ.
Do đó, nhu cầu vốn tín dụng, hay khả năng hấp thụ vốn từ NH bơm ra sẽ bị hạn chế. Từ những vấn đề này cho thấy, kịch bản tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng như thế nào trong năm 2025, tỷ lệ nào là phù hợp rất cần phải cụ thể.
- Nói như vậy giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn chưa có sự “đồng điệu”?
- Kịch bản tăng trưởng kinh tế của Chính phủ 8% cho năm 2025, còn dự kiến tăng trưởng lên hai con số tức hơn 10%. Điều này làm tôi gợi nhớ đến bối cảnh kinh tế năm 2006-2007, khi đó chúng ta cũng có tham vọng tăng trưởng kinh tế hai con số.
Nhưng cuối cùng đã không thể tìm ra được cơ sở, hay đúng hơn là động lực mới có tính đột phá để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên hai con số chưa có, cuối cùng đã dựa vào việc bơm vốn tín dụng. Khi ấy vốn tín dụng vào nền kinh tế lên đến mức khủng khiếp, thậm chí đạt tới mức 53,4% vào năm 2007.
Hậu quả nhãn tiền là năm 2008 và 2010-2011, kinh tế chưa thấy tăng trưởng hai con số thì đã phải đối mặt với lạm phát hai con số.
Nên nhớ, tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động đều có thể coi là có dấu hiệu tăng trưởng nóng. Cả một giai đoạn từ 2001 - 2007, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH bình quân trên 30%, năm cao kỷ lục hơn 50%, trong khi huy động vốn chỉ trên 20%.
Có thể xem đây là thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng nhất của hệ thống NH. Hệ quả là ngay cuối năm 2007 đầu năm 2008, Việt Nam đã phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhưng do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu lan ra từ Mỹ, bắt đầu từ tháng 10-2008 đến cuối năm 2010, Việt Nam tập trung ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, lúc này theo quyết định của Chính phủ, NHNN thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm, có giá trị tương đương 1 tỷ USD, nghĩa là bơm tiền ra nền kinh tế được gia tăng hơn.
Cộng hưởng của cả hai giai đoạn này đưa đến hệ quả ngay sau đó, năm 2011 lạm phát bùng trở lại, chỉ số CPI ở mức 18,58%.
Thêm nữa, chính sách tài khóa cũng cùng nhịp mở rộng, hàng ngàn dự án đầu tư ở các cấp được phê duyệt, vốn chưa có nhưng bên trúng thầu cứ đi vay NH thi công, và chờ đợi mỏi mòn tiền thanh toán từ túi ngân sách vốn đã eo hẹp. Khi ấy kênh tín dụng bùng nổ, dòng tiền làm cho “bong bóng” bất động sản và chứng khoán gia tăng, đến nỗi NHNN phải có Chỉ thị 03 (2008) chỉ đạo các NH giảm dư nợ cho vay bất động sản và chứng khoán.
Đến năm 2011, khi Nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành chủ trương thắt chặt cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tiền được hút về mạnh mẽ làm cho “bong bóng xì hơi”, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc sống lay lắt, căn bệnh nợ xấu NH bùng phát lên đến đỉnh điểm trên 17% (tháng 9-2012), mà đến nay qua 5-6 năm chúng ta vẫn loay hoay về bài toán xử lý nó.
Tất nhiên, khi ấy cũng có xảy ra yếu tố bên ngoài là khủng hoảng tài chính thế giới, song về cơ bản những hệ lụy có nguyên nhân chính vẫn là do chúng ta gây ra.
Năm 2025 và những năm tiếp theo nữa, dù vẫn hướng đến tăng trưởng kinh tế là 8-9% hoặc có thể cao hơn ở mức 2 con số, song nhất quyết không thể dựa vào công cụ bơm tín dụng một cách quá mức như giai đoạn 2006-2007.
Không nên tăng trưởng bằng mọi giá, nhất là tăng trưởng thông qua kích thích tín dụng để bơm tiền ra nền kinh tế, trong khi cấu trúc nội tại của nền kinh tế vẫn chưa có sự thay đổi cơ bản để có thể hấp thụ.
- Xin cảm ơn ông.
Cho đến thời điểm hiện nay chỉ số lạm phát vẫn đang rất “lý tưởng”. Suốt 5 năm trở lại đây, chỉ số lạm phát chưa bao giờ vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng tình hình có thể sẽ khác nếu như chúng ta bơm vốn tín dụng quá đà.