'Bơm' bao nhiêu tiền ra nền kinh tế trong năm nay?

Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng 16%. Theo đó, tín dụng cả năm ước đạt hơn 18 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025. Như vậy, có khoảng hơn 2,5 triệu tỷ đồng tăng thêm 'bơm' ra nền kinh tế trong năm nay.

Dư nợ tín dụng sẽ đạt hơn 18 triệu tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025, để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, cao hơn kế hoạch năm 2024 (15%). Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Hiện chưa có con số thống kê cụ thể tính đến ngày 31/12/2024 từ phía Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, ngành ngân hàng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024, dư nợ tín dụng toàn ngành sẽ đạt mức hơn 15,6 triệu tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 12/2024.

Tín dụng năm 2025 dự kiến tăng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Tín dụng năm 2025 dự kiến tăng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 16% do Ngân hàng Nhà nước đưa ra, dư nợ tín dụng của nền kinh tế dự kiến sẽ đạt mức hơn 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025. Điều này có nghĩa, ngành ngân hàng bơm ra nền kinh tế thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng trong năm 2025. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 7/12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 15,3 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nào?

Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng trưởng đảm bảo an toàn hoạt động, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Nguồn tín dụng cần được kiểm soát chặt vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo các chuyên gia, các lĩnh vực có khả năng hấp thụ vốn nhiều nhất là: bất động sản, năng lượng, bán lẻ, tiêu dùng, đầu tư công...

Công ty Chứng khoán MBS dự kiến, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao trong năm 2025 sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Với những lý do trên, nhóm phân tích kỳ vọng các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn vào năm 2025.

Theo nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, động lực tăng trưởng tín dụng năm 2025 đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cũng như vay mua nhà; tín dụng bán buôn tiếp tục duy trì ổn định.

Công ty VCBS cũng kỳ vọng tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong 2025, dẫn dắt bởi cho vay mua nhà, tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô.

“Cho vay mua nhà dự kiến tiếp tục hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 15% cho năm 2025, ở cả phân khúc bất động sản sơ cấp và thứ cấp khi nguồn cung tiếp tục được bổ sung mạnh”, VCBS cho hay.

Bà Trần Kiều Oanh - Khối dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn của FiinGroup - nhìn nhận, năm 2025, tín dụng bán lẻ và phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn, dòng vốn hướng vào sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng để giảm rủi ro hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng đồng đều.

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bom-bao-nhieu-tien-ra-nen-kinh-te-trong-nam-nay-post1706407.tpo
Zalo