Bokksu: Quà Nhật kiếm tiền thật

Đầu và cuối năm thường là dịp lý tưởng để tặng quà. Nhưng với Bokksu, những hộp quà Nhật luôn được gửi quanh năm, giúp nơi đây trở thành một trong những startup D2C phát triển nhanh nhất tại Mỹ.

Ra mắt năm 2016, Bokksu là startup cung cấp dịch vụ hộp đăng ký với sản phẩm là thức ăn nhẹ, đồ ngọt và trà cao cấp được tuyển chọn từ Nhật Bản. Theo nhà sáng lập, CEO Danny Taing, sứ mệnh của Bokksu tạo ra cầu nối giữa thực phẩm và văn hóa, cũng như giới thiệu sự phong phú của ẩm thực Nhật Bản với thế giới.

Năm 2022, Bokksu gọi được 22 triệu USD vốn Series A, giúp startup đạt định giá 100 triệu USD, qua đó trở thành một trong những công ty D2C phát triển nhanh nhất tại Mỹ. Cùng năm đó, doanh thu của Bokksu vượt 20 triệu USD và công ty lần đầu có lời - điều mà Taing xem là khá hiếm với một startup D2C trong 5 năm đầu phát triển.

Hiện, 2 triệu hộp “quà Nhật” của Bokksu đã được vận chuyển và công ty có khoảng 40.000 người dùng đăng ký đang hoạt động. Theo Taing, tăng trưởng trong thời gian đầu khá chậm, chủ yếu vì phải “tự lực cánh sinh”. Hai năm sau khi ra mắt, Bokksu bắt đầu đạt được bước tiến và hiện đã mở rộng ra ngoài sản phẩm đầu tiên là hộp đăng ký. Vậy, bí quyết thành công của Bokksu là gì?

Ý tưởng ngách và độc đáo

Khi Taing nảy ra ý tưởng làm hộp đăng ký với sản phẩm Nhật, thị trường này trên thực tế đã có khoảng 20 “người chơi” vào lúc đó. Tuy nhiên, CEO của Bokksu cho rằng họ chỉ đang lặp lại những gì đã được biết tới trong nhiều thập niên và chưa cho thấy “chất Nhật” khi chỉ mang đến các sản phẩm kỳ quặc, dễ thương mang đậm hơi hướng hoạt hình.

Nếu nói về đồ ngọt, người sống ngoài Nhật Bản sẽ chỉ biết các món ăn đã phổ biến như KitKat, Pocky, soda và kẹo. Từng có thời gian sống ở Nhật và cực kỳ thích đồ ngọt tại đây, Taing muốn giới thiệu các doanh nghiệp gia đình làm ra chúng cũng như những sản phẩm truyền thống đã lưu giữ qua các thế hệ.

“Tôi đã có ý tưởng rất khác so với mọi người. Tôi là người đầu tiên và vào thời điểm đó là người duy nhất trong thời gian dài dấn thân vào các món ăn đặc sản ở địa phương … mà theo tôi là xuất sắc hơn nhiều và nổi tiếng hơn nhiều ở Nhật Bản”, CEO Bokksu nói.

Sản phẩm cốt lõi đa dạng và luôn mới

Theo Taing, Bokksu chưa bao giờ gặp phải tình trạng đăng ký chững lại, dù điều này đã xảy ra với các thương hiệu hộp đăng ký khác như Birchbox. “Tôi nghĩ điều giúp ích là chúng tôi có một sản phẩm cơ bản rất mạnh mẽ, thay đổi hằng tháng mà rất nhiều người nhận được nhiều giá trị và nó không phải là mốt nhất thời”, ông nói.

Lý do là đồ ăn nhẹ Nhật Bản từ các gia đình có truyền thống làm nghề được chế biến bằng nguyên liệu chất lượng cao, tạo ra hương vị phong phú không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác và sự đa dạng đáng kinh ngạc của vị ngọt, mặn và umami luôn khiến người ta muốn nhiều hơn. Hơn nữa, số lượng combo có thể tạo ra cho mỗi chiếc hộp là vô cùng lớn.

Theo đó, mỗi hộp được Bokksu tuyển chọn theo các chủ đề khác nhau, như lễ hội, tỉnh và ngày lễ, mang đến trải nghiệm văn hóa Nhật Bản ngay tại nhà. Bên trong mỗi hộp quà bao gồm một loại trà, kết hợp với nhiều đồ ăn nhẹ và món ngọt khác. Một số sản phẩm nổi bật có thể kể đến là dâu tây sô-cô-la trắng, kẹo hoa anh đào thủ công, Tempura rong biển với hương cam Sudachi, bánh que sô-cô-la Matcha...

Ngoài đồ ăn nhẹ, Bokksu còn cung cấp các món quà đặc sản và đồ ăn độc quyền từ Nhật Bản, một cửa hàng tạp hóa châu Á trực tuyến. Hiện, mỗi tháng Bokksu đóng hộp và vận chuyển từ 20.000 đến 30.000 hộp cho khách hàng tại khoảng 100 quốc gia. Do đó, chiến lược của công ty là tập trung vào sản phẩm chủ lực để giữ chân khách hàng và tăng số lượng đăng ký. Để thúc đẩy doanh thu, Bokksu cũng tung nhiều gói đăng ký trả trước giúp khách hàng tiết kiệm chi phí. Hiện, hơn 60% người đăng ký đều sử dụng hình thức trả trước.

Nâng cao giá trị bằng sự nhân văn

Để mang đến trải nghiệm trọn vẹn, khách hàng cũng sẽ nhận được một hướng dẫn miêu tả câu chuyện và hương vị của từng món ăn. Nguyên nhân là do mỗi món ăn vặt đều có câu chuyện vì chúng thường đến từ một doanh nghiệp gia đình tại một vùng cụ thể ở Nhật Bản, sử dụng nguyên liệu địa phương và có lịch sử gắn liền với nó.

Vì các gia đình mà Bokksu hợp tác đã sản xuất cùng một loại đồ ăn qua nhiều thế hệ nên họ tự hào về những gì đang làm và cũng quan tâm cả đến việc bảo tồn di sản gia đình hơn lợi nhuận. Bản thân công ty cũng tự hào về việc cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp gia đình nhỏ tại Nhật Bản và bảo tồn nghề thủ công lẫn văn hóa của họ thông qua các hộp đăng ký.

Để lan tỏa giá trị nhân văn, Bokksu kể câu chuyện về các sản phẩm đó và những người làm ra chúng, không phải trong một tấm bưu thiếp đơn giản mà giờ là cả một tạp chí 24 trang. Theo Taing, đội nhân viên thiết kế này đã phát triển từ 1 lên đến 75 người và vai trò của họ cũng quan trọng không kém sứ mệnh tạo ra cầu nối ẩm thực - văn hóa của ông.

“Tôi thích sứ mệnh đó vì theo tôi, đây là chiến thắng cho tất cả. Khách hàng chiến thắng vì được nếm những món ăn chất lượng, không chỉ ngon miệng mà còn có cả câu chuyện đằng sau nó. Những người bán hàng chiến thắng vì di sản gia đình của họ có thể được tiếp tục và họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh của mình theo cách có lợi nhuận. Và sau cùng, chúng tôi tất nhiên cũng chiến thắng vì chúng tôi có thể kết nối và nâng cao giá trị của mọi người trên suốt chặng đường cũng như giúp đưa thế giới lại gần nhau hơn một chút”, Taing nói.

Khởi Vũ

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bokksu-qua-nhat-kiem-tien-that-315502.html
Zalo