Bội thực hoa hậu: Tăng chế tài quản lý, tránh tình trạng loạn danh hiệu sắc đẹp

Không chỉ lạm phát về số lượng, chất lượng nhiều cuộc thi hoa hậu ngày càng đi xuống vì thế cần tăng chế tài quản lý để tránh tình trạng loạn danh hiệu sắc đẹp.

Hệ lụy từ tràn lan các cuộc thi hoa hậu

Thay vì tò mò xem cô gái nào được vinh danh, thì ngược lại việc sau một đêm Việt Nam có thêm 2 hoa hậu diễn ra vào cuối tuần qua (3/8) từ cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam và Miss Grand Việt Nam 2024 (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) đã khiến cho dư luận ngán ngẩm bởi việc tôn vinh nhan sắc đã trở nên nhàm chán, do được tổ chức tràn lan thời gian qua.

Nếu như trước đây, mỗi năm chỉ có hai cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia được cấp phép tổ chức. Tuy vậy, tính đến nay, thống kê Việt Nam đã có hơn 100 cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ, từ cấp quốc gia đến địa phương, ngành nghề…

Chung kết Miss Grand Việt Nam 2024. Ảnh: VGP

Chung kết Miss Grand Việt Nam 2024. Ảnh: VGP

Không chỉ lạm phát về số lượng, chất lượng nhiều cuộc thi sắc đẹp ngày càng đi xuống, trong đó điều khiến dư luận phản ứng gay gắt chính là nhiều cuộc thi bị tố gian lận, ưu tiên gà nhà như cuộc thi Miss Grand Việt Nam 2024 mới đây. Hay thậm chí có không ít người đẹp vừa đăng quang lại có những phát ngôn không chuẩn mực với danh hiệu như các phát ngôn gây sốc của Hoa hậu Thế giới Việt Nam năm 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi.

Chia sẻ với Báo Công Thương, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, trong đó có các cuộc thi người đẹp, là vì nhiều mục đích khác nhau. Đó có thể là mục đích chính trị để quảng bá hình ảnh, uy tín của địa phương, có thể vì văn hóa để huy động sự quan tâm của người dân đến những giá trị văn hóa được tích hợp trong sự kiện, có thể là lý do kinh tế như phát triển du lịch, thu hút đầu tư... Các cuộc thi sắc đẹp, vì thế, có thể đưa ra những lý do thuyết phục khác nhau để được phép tổ chức.

Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS-TS. Bùi Hoài Sơn, bên cạnh một số cuộc thi sắc đẹp nghiêm túc, có tác động thực sự theo nghĩa tích cực, thì đa phần các cuộc thi sắc đẹp khá "vô bổ", bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh và không hoàn toàn bởi việc tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tri thức của phụ nữ. “Điều này sẽ rất tai hại khi các cuộc thi lan tràn, như một thứ dịch bệnh, vô hình trung ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc thi nghiêm túc và hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ, làm vẩn đục môi trường văn hóa của xã hội, gián tiếp gây ra những hệ lụy văn hóa, xã hội khác”- ông Sơn nói.

Vì thế, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm: Việc có dư luận về việc tổ chức thi người đẹp để phục vụ đại gia, mua bán giải hay là nhiều thông tin tiêu cực khác khiến cho chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về các cuộc thi sắc đẹp.

Đưa các cuộc thi sắc đẹp trở về đúng vị trí

Không ít ý kiến cho rằng, một trong các nguyên nhân khiến cho các cuộc thi sắc đẹp nở rộ là do quy định khá cởi mở từ Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đó là không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ; các đơn vị, doanh nghiệp nào muốn tổ chức thi hoa hậu, không cần phải lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin giấy phép mà chỉ cần qua Sở Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, xu thế quản lý trên thế giới và cả ở nước ta là tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm; phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, chính vì vậy, các quy định quản lý văn hóa cũng cần hướng đến các xu hướng này. Nghị định số 144/2020/NÐ-CP đã thể hiện đúng xu hướng chung trong quản lý văn hóa của thế giới. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định chắc sẽ cần thời gian để có thể điều tiết tốt các hành vi, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong thực tiễn đời sống.

Mặt khác, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, mong muốn của Nghị định 144/2020/NĐ-CP đơn giản chỉ là đưa các cuộc thi sắc đẹp trở về đúng vị trí của nó và phù hợp với thông lệ quốc tế. Như vậy, để tránh tình trạng loạn danh hiệu sắc đẹp, ngoài việc trả lại vị trí vốn có cho danh hiệu này, nhận thức xã hội cần có sự thay đổi, và chế tài xử phạt cũng như các quy định liên quan khác cần tạo điều kiện để các cuộc thi sắc đẹp không bị lợi dụng cho các mục đích khác.

Các cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương cân nhắc kỹ lưỡng việc tổ chức, cấp phép tổ chức các cuộc thi; các cơ quan truyền thông hạn chế tuyên truyền cho các cuộc thi; xử phạt nghiêm các sai phạm trong tổ chức thi sắc đẹp. Mặt khác, các cuộc thi hoa hậu và hoạt động của các hoa hậu nên đồng hành một cách có trách nhiệm xã hội. Các thí sinh và những người đoạt giải hoa hậu nên sử dụng vai trò và tầm ảnh hưởng của mình để lan tỏa các thông điệp tích cực, xây dựng và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Để đạt được điều này, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn các cuộc thi hoa hậu và các hoa hậu cần nên được trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa, xã hội, các vấn đề toàn cầu để có thể phát biểu một cách thấu đáo và đúng đắn. Bên cạnh đó, họ cần sử dụng sức mạnh của truyền thông để phổ biến các thông điệp tích cực. Họ nên được tạo cơ hội để gặp gỡ và làm việc với các cộng đồng, nghe và hiểu nhu cầu của người dân để có thể đóng góp một cách tốt nhất cho xã hội. Với các hoạt động và phát ngôn như vậy, cuộc thi hoa hậu và các hoa hậu có thể xứng đáng với danh hiệu và đóng góp tích cực cho xã hội.

Trước đó, lên tiếng về những lùm xùm từ một số cuộc thi hoa hậu, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - bà Trần Ly Ly cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao... các tỉnh, thành phố trên cả nước xử lý những trường hợp vi phạm, hướng dẫn tháo gỡ điểm nghẽn trong thực tế và triển khai các văn bản pháp luật, chủ động, kịp thời đưa ra những giải pháp để xử lý tình huống phát sinh.

Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng cho rằng, để giải quyết tồn tại và phát huy giá trị, ý nghĩa tích cực của "sân chơi" người đẹp, người mẫu, ngoài vai trò của những cơ quan quản lý cần sự chung tay, đồng hành của các cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông để giám sát, công khai, minh bạch công tác tổ chức. Đặc biệt, một trong những "chế tài mạnh mẽ nhất" đối với các cá nhân, tổ chức trong nghệ thuật biểu diễn, đó là sự "nghiêm khắc của công chúng" để góp phần thanh lọc và gạt bỏ tiêu cực.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/boi-thuc-hoa-hau-tang-che-tai-quan-ly-tranh-tinh-trang-loan-danh-hieu-sac-dep-337532.html
Zalo