Chưa có mã ngành đào tạo tiến sĩ, trường ĐH 'mỏi mắt' tìm người chủ trì ngành

Không nên quy định, ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ đối với một ngành đào tạo dự kiến mở ở trình độ đại học/thạc sĩ là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối.

Khoản 1, Điều 4, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT về mở ngành đào tạo đại học yêu cầu: “Có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các ngành khác…”.

Khoản 5, Điều 2, Thông tư này định nghĩa: “Ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ đối với ngành đào tạo dự kiến mở ở trình độ đại học/thạc sĩ là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo; trường hợp ngành đó chưa được đào tạo trong nước ở trình độ tiến sĩ hoặc chưa có nhiều người tốt nghiệp thì ngành phù hợp là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ…

Trong khi, tại Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT Quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học, nhiều ngành có mã ngành đào tạo trình độ đại học nhưng chưa có mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, hoặc mới chỉ có mã ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ từ năm 2022 nên đến nay chưa có người tốt nghiệp (vì thời gian đào tạo tiêu chuẩn đối với trình độ tiến sĩ là từ 3-4 năm).

Do đó, với những ngành chưa có mã đào tạo trình độ tiến sĩ, khi chọn giảng viên chủ trì ngành dự kiến mở đào tạo trình độ đại học, mỗi trường lại có cách hiểu khác nhau về tiến sĩ ngành phù hợp. Việc xác định ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ cũng chưa có tiêu chí quy định cụ thể khiến cơ sở giáo dục đại học gặp khó.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính có mã ngành đào tạo trình độ đại học là 7480108 nhưng chưa có mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Thực tế cho thấy, nhiều năm trở lại đây, một số trường đã đưa vào tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học ngành này như: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ thông tin – Truyền thông (Đại học Thái Nguyên),...

Lựa chọn tiến sĩ chủ trì ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thái Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho biết, với ngành đào tạo trình độ đại học chưa có mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ thì việc quy định lựa chọn tiến sĩ ngành phù hợp để chủ trì ngành theo Khoản 5, Điều 2, Thông tư số 02 là rất đúng. Tuy nhiên, khi vận dụng vào thực tế, quy định này lại khiến cơ sở gặp nhiều khó khăn.

 Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh trong buổi chấm vấn đáp, tiểu luận tốt nghiệp. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh trong buổi chấm vấn đáp, tiểu luận tốt nghiệp. (Ảnh: website nhà trường)

Tiến sĩ chủ trì ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính của nhà trường là tiến sĩ liên quan đến ngành Công nghệ thông tin. Điều này cũng xuất phát từ chuyên môn của tiến sĩ phù hợp với định hướng chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính của nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường có đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ giỏi chuyên môn về công nghệ thông tin, kỹ thuật, điện-điện tử, tự động hóa nên cũng được huy động tham gia giảng dạy ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính.

“Khó khăn hiện nay là mỗi trường có cách hiểu khác nhau về việc lựa chọn tiến sĩ ngành phù hợp để chủ trì ngành đào tạo trình độ đại học, hoặc băn khoăn không biết khi chọn tiến sĩ ngành này để chủ trì ngành kia là đúng hay sai quy định. Hơn nữa, việc hiểu về ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất với ngành đào tạo ở trình độ đại học cũng chưa được rõ ràng, đồng nhất”, thầy Tuấn chia sẻ.

Tương tự, do chưa có tiến sĩ ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính nên tiến sĩ chủ trì ngành này ở Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là tiến sĩ của một ngành có liên quan đến máy tính.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đối với một số ngành mới đào tạo ở trình độ đại học, trong đó có ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính, chính vì chưa có tiến sĩ ở ngành cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo nên mỗi trường lại có cách hiểu khác nhau trong lựa chọn tiến sĩ ngành phù hợp, chuyên môn gần nhất để chủ trì ngành.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) bày tỏ, việc mở ngành đào tạo trình độ đại học trong khi chưa có mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn, "mỏi mắt" trong tìm kiếm tiến sĩ ngành phù hợp để chủ trì.

Theo thầy Nghĩa, ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính của nhà trường có giảng viên chủ trì ngành là tiến sĩ tốt nghiệp ngành Computer Science ở Đại học De Montfort (Vương Quốc Anh). Computer Science dịch nghĩa tiếng Anh là Khoa học máy tính. Nhưng tại Đại học De Montfort, tiến sĩ tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính hoặc Công nghệ thông tin đều được ghi trên văn bằng là ngành Computer Science. Do đó, trước khi tiến sĩ chủ trì ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính của nhà trường, vị này đã chứng minh được những công trình nghiên cứu, luận án tốt nghiệp thể hiện chuyên môn phù hợp với chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính hướng đến.

Như vậy, khi chọn tiến sĩ chủ trì ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính, nhà trường đã dựa vào chuyên môn của tiến sĩ sao cho phù hợp với chương trình đào tạo của ngành dự kiến mở chứ không dựa vào tên hay mã ngành đào tạo.

 Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) tham gia cuộc thi Robocon. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) tham gia cuộc thi Robocon. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Nghĩa chia sẻ thêm: “Một ví dụ khác, nhà trường đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện trình độ đại học từ rất lâu nhưng chưa có mã ngành này trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nên phải vận dụng rất linh hoạt trong lựa chọn tiến sĩ chủ trì ngành.

Cụ thể, nhà trường xác định 2 ngành gần làm ngành phù hợp đối với ngành Truyền thông đa phương tiện gồm: ngành Báo chí (nghiên cứu về báo chí đa phương tiện) và ngành Công nghệ thông tin (nghiên cứu về Truyền thông đa phương tiện). Sau đó, nhà trường đánh giá chuyên môn nghiên cứu của tiến sĩ để xem có sát với ngành đào tạo trình độ đại học dự kiến mở hay không.

Từ đó, nhà trường lựa chọn tiến sĩ chủ trì ngành là người có chuyên môn sát với ngành dự kiến mở. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà trường chấp nhận tên ngành mà họ được đào tạo ở trình độ tiến sĩ có thể lệch so với tên ngành đào tạo trình độ đại học dự kiến mở”.

Cần quy định chuyên môn phù hợp của GV trình độ tiến sĩ để làm cơ sở chủ trì ngành

Từ những khó khăn trong tìm kiếm tiến sĩ ngành phù hợp để chủ trì ngành đào tạo trình độ đại học dự kiến mở, lãnh đạo một số trường đã có những chia sẻ, đề xuất.

Thầy Tuấn cho rằng, bất kỳ ngành đào tạo trình độ đại học nào được mở ra đều phải đảm bảo điều kiện về tiến sĩ chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình. Nhưng hiện nay nhiều ngành, trong đó có ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính chưa có tiến sĩ nên cần thiết phải quy định rõ ràng hơn về ngành phù hợp, chuyên môn phù hợp của tiến sĩ chủ trì ngành này để nhà trường dễ xác định tiến sĩ chủ trì ngành.

Cùng quan điểm, thầy Nhân chia sẻ, để tháo gỡ khó khăn cho trường khi dự kiến mở ngành đào tạo đại học mà ngành đó chưa có giảng viên trình độ tiến sĩ thì phải quy định rõ các tiêu chí cụ thể như thế nào là “ngành phù hợp", ví như đó là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất...

“Theo tôi, với những ngành mới, chưa đào tạo tiến sĩ thì cần phải quy định cụ thể các tiêu chí trong xác định ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất trong cùng nhóm ngành làm ngành phù hợp. Có như vậy thì các trường mới dễ dàng thực hiện việc lựa chọn tiến sĩ chủ trì ngành”, thầy Nhân cho hay.

Mặt khác, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cũng cho rằng, nên quy định rõ đối với những ngành chưa có mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ thì ngành nào là ngành gần, hoặc chuyên môn gần nhất với ngành đào tạo trình độ đại học dự kiến mở, từ đó, cơ sở giáo dục sẽ thuận lợi hơn trong tìm kiếm tiến sĩ chủ trì ngành, cơ quan quản lý dễ dàng trong thanh, kiểm tra, đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, thầy Tuấn đề xuất, nếu có cổng thông tin dữ liệu thống kê về ngành đào tạo các trình độ của các cơ sở giáo dục cũng như số lượng người tốt nghiệp thì sẽ thuận lợi hơn trong việc chọn tiến sĩ chủ trì ngành. Cổng thông tin này sẽ làm cơ sở minh chứng cho trường được chọn tiến sĩ ngành phù hợp là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ.

 Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong tiết thực hành, thực tế. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong tiết thực hành, thực tế. (Ảnh: website nhà trường).

Cùng đưa ra đề xuất, thầy Nghĩa cho rằng: Trước tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn về việc thực hiện Thông tư số 02, trong đó quy định rõ các tiêu chí xác định ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất trong cùng nhóm ngành làm ngành phù hợp; phải làm nổi bật việc trường đại học được tự chủ về chuyên môn trong giải thích vì sao tiến sĩ ngành này lại là ngành gần với ngành kia để tham gia chủ trì ngành.

“Ngoài những ngành có tên rất cụ thể như Toán học,… thì những ngành mang tính liên ngành, ngành mới rất khó khăn trong tìm kiếm tiến sĩ chủ trì ngành. Chính vì thế, cần phải có quy định cụ thể về chuyên môn phù hợp của giảng viên trình độ tiến sĩ để việc phân công người chủ trì ngành đào tạo trình độ đại học dự kiến mở được thuận lợi. Quy định này sẽ vừa đảm bảo tính tự chủ cho các trường nhưng vẫn có hành lang pháp lý”, thầy Nghĩa nêu.

Thứ hai, cần cho phép các cơ sở giáo dục được xác định chuyên môn của tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài (thông qua luận án, công trình nghiên cứu, bài báo khoa học,…) phù hợp với định hướng chương trình đào tạo của ngành dự kiến mở để làm chủ trì ngành.

Thứ ba, không nên quy định chặt chẽ “ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ đối với một ngành đào tạo dự kiến mở ở trình độ đại học/thạc sĩ là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo”. Bởi, có những tiến sĩ tốt nghiệp ngành phù hợp với mã ngành trình độ đại học dự kiến mở nhưng chuyên môn nghiên cứu của người này lại không liên quan gì đến chương trình đào tạo của ngành dự kiến mở. Khi đó, việc thực hiện ngành phù hợp là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo chỉ là câu chuyện hình thức, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

“Bản chất giảng viên trình độ tiến sĩ làm chủ trì ngành là phải sâu sát về chuyên môn, lĩnh vực nghiên cứu của ngành. Do vậy, nên đối chiếu chương trình đào tạo đại học với chuyên môn của tiến sĩ trước khi lựa chọn tiến sĩ chủ trì ngành. Để làm được điều này, rất cần có quy định về chuyên môn phù hợp của giảng viên trình độ tiến sĩ để làm cơ sở cho việc phân công người chủ trì ngành dự kiến mở thay vì dựa vào ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành như hiện nay”, thầy Nghĩa đề xuất.

Ngọc Huệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chua-co-ma-nganh-dao-tao-tien-si-truong-dh-moi-mat-tim-nguoi-chu-tri-nganh-post245348.gd
Zalo