Bồi đắp tình yêu di sản cho thanh, thiếu niên

Mỗi danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đều gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông đi trước. Chính vì vậy, để không ngừng phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử ấy, các ngành, địa phương, trường học trong tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giáo dục, bồi đắp tình yêu di sản cho thanh thiếu niên.

Đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông và các đại biểu thực hiện nghi thức bàn giao công trình số hóa Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường cho Huyện đoàn Thọ Xuân.

Đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông và các đại biểu thực hiện nghi thức bàn giao công trình số hóa Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường cho Huyện đoàn Thọ Xuân.

Thầy giáo Hàn Việt Ấn, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Du, xã Xuân Du (Như Thanh), cho biết: "Công tác giáo dục di sản đã được nhà trường tăng cường thực hiện, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo học sinh tham gia. Cùng với việc lồng ghép giáo dục di sản vào trong các giờ học chính khóa, thì mỗi khi gần đến các ngày lễ lớn của dân tộc, địa phương, nhà trường đều tổ chức hoạt động về nguồn, tham quan di tích lịch sử, cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Tổ chức giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống với các cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, những nhân chứng lịch sử... Ngoài ra, trên địa bàn xã có Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na, nên nhà trường thường xuyên đưa học sinh đến quét dọn vệ sinh môi trường, cũng như cho học sinh tham gia phục vụ cầm cờ, bê lễ vào dịp tổ chức lễ hội đền Phủ Na. Việc tổ chức các hoạt động đó được coi là một hình thức giáo dục hiệu quả để khơi gợi hứng thú cho học sinh, giúp các em tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của địa phương một cách hiệu quả, thiết thực".

Em Nguyễn Ngọc Lan Nhi, học sinh lớp 9A, Trường THCS Xuân Du, cho biết: "Thời gian qua, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương. Thông qua các buổi tham quan, học tập tại các di tích em biết thêm được nhiều thông tin về lịch sử cũng như kiến trúc của các di tích. Em mong muốn sẽ được tiếp tục tham gia các hoạt động trải nghiệm di sản văn hóa ở các điểm di tích khác của huyện, tỉnh".

Xác định giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bồi đắp tình yêu di sản cho thanh, thiếu niên. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Một trong những hoạt động nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ các tổ chức đoàn, đội, hội và đoàn viên, thanh, thiếu niên đó là hành trình đến với “địa chỉ đỏ”. Để đoàn viên, thanh, thiếu niên có cơ hội được đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về lịch sử tại các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh. Đồng thời góp phần giáo dục đoàn viên, thanh, thiếu niên về truyền thống đấu tranh cách mạng và thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân của thế hệ trẻ đối với sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chuyên đề hành trình về nguồn tại các địa chỉ đỏ như, Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (Thọ Xuân), Di tích lịch sử hang Co Phường (Quan Hóa), Hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ giai đoạn 1964-1972 (Thiệu Hóa), Cụm Di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ và Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông (Đông Sơn)... Các cấp bộ đoàn còn tổ chức kết nạp đoàn viên, đội viên mới tại các di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống, lòng tự hào cho thanh, thiếu niên.

Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn trong tỉnh cũng đã tích cực trong xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện để tuyên truyền, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ, văn hóa ẩm thực, công trình văn hóa trọng điểm tại một số địa phương. Nhờ đó, đến nay nhiều khu di tích lịch sử cách mạng trong tỉnh đã được số hóa như, Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập (Hậu Lộc), Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (Thọ Xuân), Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1967-1973 (Thiệu Hóa)... Các công trình thực hiện số hóa di tích được thực hiện theo hình thức trực tuyến và ứng dụng công nghệ thực tế ảo giúp thanh, thiếu niên, người dân dễ dàng tìm hiểu vị trí địa lý và các thông tin, sự kiện, dữ liệu di tích một cách trực quan, sinh động. “Số hóa các địa chỉ đỏ” cũng được coi là bước đột phá của công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu di sản trong đoàn viên, thanh, thiếu niên.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/boi-dap-tinh-yeu-di-san-cho-thanh-thieu-nien-34025.htm
Zalo