Bối cảnh đặc biệt cần có quyết sách đặc biệt
Trao đổi, chia sẻ với các đại biểu hai nước Việt Nam - Lào tại Hội thảo 'Cơ chế chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid - 19' vừa diễn ra chiều nay, 16.5 tại Thủ đô Vientiane, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh 'bối cảnh đặc biệt cần phải có những quyết sách đặc biệt'. Với tinh thần đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều quyết sách đặc biệt để hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Hội thảo “Cơ chế, chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19" là hội thảo đầu tiên được tổ chức nhằm cụ thể hóa Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội vừa được ký sáng nay (16.5), và là hội thảo thứ hai do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đồng chủ trì trong 6 tháng trở lại đây.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích nguồn lực “chảy” vào nền kinh tế - bài học kinh nghiệm rất hữu ích với Lào
Tại hội thảo, các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành hai nước đã tập trung trao đổi, chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch, nhất là giải pháp mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy và duy trì sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết tác động giá nhiên liệu xăng dầu và các hàng hóa khác trên thị trường quốc tế đối với sự phát triển nền kinh tế trong nước, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và việc phân cấp quản lý; chính sách và sử dụng các công cụ trong hệ thống thuế, thu ngân sách và quản lý chi ngân sách một cách hiệu quả…
Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Kế hoạch của Quốc hội Lào bày tỏ ấn tượng trước những quyết đáp mạnh mẽ của Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua nhằm tạo ra những cơ chế, chính sách đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. "Việt Nam đã có nhiều chính sách phục hồi và phát triển kinh tế một cách đột phá". Năm 2021 khi nhiều nước trên thế giới chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid – 19 thì Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dương và 5 tháng đầu năm nay đã lấy lại đà tăng trưởng GDP khá cao với hơn 5%, kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân được bảo đảm. Đặc biệt các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm kích thích nguồn lực “chảy” vào nền kinh tế là bài học kinh nghiệm rất hữu ích với Lào. Các đại biểu cũng mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam trong việc quản lý, duy trì tỷ giá, bảo đảm sự ổn định của đồng tiền.
Hai tham luận của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Xã hội Quốc hội Việt Nam về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội dành được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Lào tham dự Hội thảo. Theo đó, không có một công thức chung trong việc thiết kế các gói hỗ trợ, quy mô cũng rất khác nhau nhưng cần có một công thức chung, ví dụ, phải phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gói hỗ trợ phải được thiết kế sao cho được hấp thụ nhanh vào nền kinh tế, tập trung vào khu vực có khả năng giải ngân nhanh, ưu tiên các mục tiêu kép, vừa hỗ trợ trực tiếp được doanh nghiệp, người lao động, vừa phục vụ mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, "bơm" vốn vào nền kinh tế. Các thành viên Quốc hội và Chính phủ Lào đều cho rằng, dù quy mô gói hỗ trợ của Lào và Việt Nam khác nhau, nhưng những vấn đề được các cơ quan của Quốc hội Việt Nam chia sẻ đều là những kinh nghiệm hết sức quý báu mà Lào có thể tham khảo để phục hồi kinh tế sau khi vừa mở cửa.
Chia sẻ các kế hoạch phục hồi kinh tế của Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamchen Vongphoxi cho biết, hiện nay, Lào đang đẩy nhanh thực hiện các công tác trọng tâm trong chương trình nghị sự quốc gia về giải quyết các khó khăn trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng tốt hơn, song song với việc khai thác nguồn thu nhập có tiềm năng để làm nền tảng cho phục hồi, phát triển kinh tế. Lào cũng tập trung vào việc cơ cấu lại ngành tài chính một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu, nhất là cải cách cơ chế thu chi ngân sách từ Trung ương đến địa phương.
Luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân
Trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội Lào về kinh nghiệm của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phục hồi kinh tế phải dựa vào cả chính sách tiền tệ và tài khóa.
Để giải bài toán về nguồn lực phục hồi kinh tế, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại câu nói của người Việt Nam “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”, vừa qua, Việt Nam đã quyết định dùng khoảng 2 tỷ USD cho vay để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhờ đó, kích hoạt đưa vào nền kinh tế ước khoảng 100 tỷ USD trong hai năm. Hay chính sách giảm thuế VAT, giảm thuế trước bạ ô tô… cũng được thực hiện. Nhà nước giảm thuế nhưng thực chất lại làm cho tổng thu thuế tăng lên vì thuế giảm thì kích thích được tiêu dùng, kích thích được sản xuất, kinh doanh.
"Bỏ ra cái nhỏ nhưng thu về được lớn hơn mà vẫn giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là một trong những cách thức để chúng tôi tập trung thu hút được nguồn lực của đất nước, nguồn lực của xã hội hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện vừa chịu tác động nặng nề của dịch bệnh”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các chính sách tài khóa, tiền tệ, giảm thuế… mà Lào đang triển khai cũng tương tự như cách Việt Nam đã làm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sản xuất kinh doanh vẫn phải là gốc. Để “gốc” phát triển thì phải tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhà nước, Quốc hội phải luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Bối cảnh đặc biệt cần những quyết sách đặc biệt.
Ngay Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một Nghị quyết cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được phép áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Tại Kỳ họp bất thường đầu tiên tháng 1.2022, Quốc hội Việt Nam đã áp dụng cách thức dùng một luật sửa 9 luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Trên cơ sở chuẩn bị thật kỹ, thật “chín”, trình ra Quốc hội theo quy trình tại một Kỳ họp nên vừa rút ngắn được thời gian xem xét, thông qua nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.
Hay một vấn đề rất cụ thể là, chuỗi cung ứng lao động bị đứt gãy do tác động của đại dịch Covid – 19 như vừa qua thì phải có chính sách gì để hỗ trợ thị trường lao động chứ không thể khư khư các quy định cũ. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết cho phép tăng giờ làm thêm tối đa trong một tháng để có căn cứ pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước tết, thị trường lao động Việt Nam mới chỉ phục hồi được khoảng 80%, đến nay đã cơ bản bình thường. Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Quốc hội Lào, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lào có thể xem xét vấn đề này, yêu cầu các cơ quan rà soát lại cần tháo gỡ gì về vấn đề lao động để khắc phục khó khăn về thiếu lao động cho doanh nghiệp.
“Khi chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì sản xuất kinh doanh sẽ phục hồi, thu ngân sách sẽ gia tăng…”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, công khai, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, quản trị quốc gia…
Nhấn mạnh lại kinh nghiệm của Việt Nam “trong điều kiện đặc biệt phải có cơ chế đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, Quốc hội Việt Nam luôn sẵn sàng làm ngày, làm đêm, tạo điều kiện để Chính phủ kịp thời điều hành nhưng đồng thời cũng yêu cầu rất chặt chẽ, nghiêm ngặt về trách nhiệm trước Quốc hội; giao quyền, phân quyền gắn liền với trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane phát biểu
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Kết luận hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đánh giá cao kết quả đạt được của Hội thảo với những nội dung hết sức phong phú, đa dạng và đi sâu vào từng vấn đề đang đặt ra đối với tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Lào mong muốn các đại biểu của hai nước sẽ đưa kết quả của hội thảo và những bài học đã đúc rút được từ thực tiễn vừa qua để áp dụng vào việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và vai trò của mình một cách hiệu quả nhất.
“Tôi mong rằng, hai cơ quan lập pháp chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức các hội thảo như thế này nhiều hơn nữa để nâng cao trình độ chuyên môn cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các tỉnh và các cơ quan tham mưu hoàn thành trọng trách của Quốc hội trong giai đoạn mới”, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane nhấn mạnh.