Bộ Y tế yêu cầu Shopee, Lazada ngừng kinh doanh, gỡ bỏ thông tin một số sản phẩm thực phẩm chức năng
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa liệt kê một số sản phẩm thực phẩm chức năng đang được quảng cáo và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada mà chưa được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và yêu cầu 'Ngừng ngay việc kinh doanh, gỡ bỏ thông tin về các sản phẩm nêu trên'.

Bộ Y tế yêu cầu Shopee, Lazada ngừng kinh doanh và gỡ bỏ nhiều thực phẩm chức năng chưa công bố. Ảnh minh họa
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), qua hậu kiểm về thực hiện quy định đăng ký bản công bố và tự công bố, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, đơn vị phát hiện một số sản phẩm thực phẩm chức năng thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được quảng cáo và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada mà chưa được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
Các sản phẩm gồm: Omega 3-6-9 1600mg; Natto Kinase 4000fu; Estroven - Complete Multi - Sympton; Kirkland Glucosamine 1500mg & Chondroitin 1200mg; Glucosamine 1500mg With MSM 1500mg.
Nhằm đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người sử dụng cũng như việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tuân thủ theo quy định pháp luật, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu Công ty TNHH Shopee, Công ty TNHH Thương mại điện tử Lazada Việt Nam khẩn trương rà soát việc kinh doanh, giao dịch điện tử các sản phẩm thực phẩm chức năng, chỉ cho phép kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc được công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm theo quy định.
Cùng với đó: ngừng ngay việc kinh doanh, gỡ bỏ thông tin về các sản phẩm nêu trên.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị 2 đơn vị (Công ty TNHH Shopee, Công ty TNHH Thương mại điện tử Lazada Việt Nam) phải gửi báo cáo về Cục trước ngày 30/5.
Liên quan đến quản lý thực phẩm chức năng, như Công dân và Khuyến học đã thông tin, trước thực trạng hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng, sữa giả, thực phẩm giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, Bộ Y tế đang triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng cường quản lý và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Trong đó, cùng với sửa đổi chính sách, tăng cường hậu kiểm, đột xuất giám sát chất lượng sản phẩm tại cơ sở, siết chặt kiểm soát quảng cáo, đẩy mạnh để triệt phá các đường dây sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng giả, áp dụng triệt để các chế tài xử phạt... Bộ Y tế cũng kêu gọi cộng đồng cùng vào cuộc: người tiêu dùng hãy trở thành người tiêu dùng thông minh, kiểm tra kỹ nguồn gốc, nhãn mác, thành phần trước khi mua; đồng thời chủ động báo cáo sản phẩm nghi ngờ đến cơ quan chức năng.