Bộ Y tế: Tập trung tăng cường công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao và gần đây phát hiện vi phạm, những sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người già, trẻ em...

Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Ngày 15/4, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm.
Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao và gần đây phát hiện vi phạm, những sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của đối tượng nhạy cảm trong xã hội như người già, trẻ em...
Các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiểm tra về hồ sơ công bố, hồ sơ quảng cáo…phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đại diện Cục An toàn Thực phẩm cho hay việc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó quản lý an toàn thực phẩm của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương và ủy ban nhân dân các cấp được quy định tại các Điều 62,63,64 và 65; Trách nhiệm "Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm" được quy định tại khoản 5 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm.
Việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018/ NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, đa số các thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm "Tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi."
Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương đối với việc quản lý các nhóm thực phẩm cụ thể và trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Cơ quan điều tra xác định từ năm 2021 đến nay, nhóm này đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, hướng đến đối tượng tiêu dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai./.