Bộ Y tế đưa 5 chính sách lớn vào Luật Phòng bệnh

Luật Phòng bệnh được Bộ Y tế kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực, kịp thời trong công tác quản lý và nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một quốc gia đông dân với đa phần dân số trong độ tuổi lao động (trung bình là 32,9 tuổi), mang đến tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, xu hướng trẻ hóa bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm lại đang đặt ra thách thức lớn...

Thống kê cho thấy, trung bình một người Việt trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, đặc biệt, những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Ngoài bệnh tật, người cao tuổi Việt Nam còn có sức khỏe yếu kém phải phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của người chăm sóc, dụng cụ hỗ trợ trong cuộc sống.

Mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Quang

Mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Quang

Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam, vượt qua cả ung thư, với 25% người trưởng thành mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Hơn nữa, những ca nhồi máu cơ tim hay đột quỵ đang có xu hướng xảy ra ở những người dưới 40 tuổi.

Tình trạng thừa cân, béo phì cũng gia tăng ở mức báo động. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị, 5,3% ở nông thôn) và 19% ở trẻ em lứa tuổi học sinh. Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân béo phì là 19% vào năm 2020. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tiểu đường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và năng suất lao động của người dân.

Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam chỉ có Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhưng chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để quản lý các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ khác như dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần, môi trường sống.

Sau 18 năm thực thi, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh, để giải quyết những thiếu sót trong việc dự phòng bệnh tật. Luật này sẽ không chỉ tập trung vào phòng, chống bệnh truyền nhiễm, mà còn mở rộng ra các bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng và các yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo đó, Bộ Y tế đã đề nghị 5 chính sách lớn, cụ thể: Bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch; dinh dưỡng với sức khỏe; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe đối với người dân.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực, nâng cao công tác phân tích, dự báo để tham mưu phù hợp và chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng, phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai.

Chia sẻ với Báo Công Thương về công tác phòng ngừa bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, để phòng bệnh thì trước tiên cần phòng các yếu tố nguy cơ về môi trường, xã hội, sau đó là phòng bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh không rõ nguyên nhân. Phòng bệnh không chỉ giải quyết phòng bệnh truyền nhiễm mà giải quyết thêm về bệnh không lây nhiễm mà trước đó chưa có luật nào điều chỉnh để nâng cao sức khỏe người dân.

Trên thực tế Việt Nam mới chỉ có Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các vấn đề khác như sức khỏe môi trường, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng chưa có luật nào điều chỉnh mà mới chỉ có các chiến lược, văn bản hướng dẫn. "Chúng ta đã có Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì cũng cần có Luật Phòng bệnh để cân đối", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Trên thế giới, các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan cũng đã sớm hoàn thiện thể chế luật pháp, thực thi các kế hoạch quốc gia toàn diện để phòng ngừa các dịch bệnh không lây nhiễm.

Từ năm 1978, Nhật Bản đã phát động và thực hiện kế hoạch 10 năm về nâng cao sức khỏe; Thái Lan thành lập và duy trì Quỹ Nâng cao sức khỏe; Hoa Kỳ thực hiện bài bản kế hoạch tổng thể "Vì sức khỏe nhân dân" từ năm 1990.

Tại Việt Nam, tháng 6/2024, Chính phủ đã họp và ban hành Nghị Quyết số 97/NQ-CP trong đó có Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ đã nhất trí đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ đối với vấn đề quản lý các bệnh không lây nhiễm hiện nay.

Thảo Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-y-te-dua-5-chinh-sach-lon-vao-luat-phong-benh-374357.html
Zalo