Bộ Y tế cảnh báo 'lương y', 'thần y' gia truyền dỏm
Tình trạng 'lương y gia truyền', 'thần y' tự xưng quảng cáo thổi phồng bài thuốc trên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc
PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), đã cho biết như vậy tại buổi họp báo thông tin về Hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2, do Bộ Y tế tổ chức chiều 6-11.
Theo PGS Thịnh, tình trạng quảng cáo "lương y gia truyền" để bán các loại thuốc đông y được thổi phồng chữa khỏi nhiều bệnh mạn tính như: Tiểu đường, ung thư, xương khớp... xuất hiện rầm rộ trên các kênh TikTok, YouTube, Facebook. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của dược liệu y học cổ truyền.
Cùng đó, tình trạng mạo danh lương y nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội, công khai số điện thoại, khiến nhiều người dân tin và mua sản phẩm về chữa bệnh.
"Chúng tôi đã nhận nhiều thông tin phản ánh vấn đề này. Cơ quan công an cũng vào cuộc điều tra số điện thoại nhưng không có thật. Việc mạo danh rất phức tạp, cần nhiều cơ quan ban ngành phối hợp với nhau mới xử lý được. Do đó, cần tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân để cảnh giác các đối tượng lừa đảo"- ông Thịnh nói.
Theo lãnh đạo Cục Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Việt Nam có nền y học cổ truyền lâu đời và phong phú. Cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền đóng vai trò then chốt trong chăm sóc sức khỏe ngay từ cơ sở. Hiện Việt Nam ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều dược liệu quý cả về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị kinh tế.
Hiện khoảng 40% bệnh nhân ở tuyến y tế cơ sở, 20% bệnh nhân ở tuyến tỉnh và 10% bệnh nhân ở tuyến trung ương điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.
Thống kê hàng năm nước ta sử dụng khoảng 100.000 tấn dược liệu, tuy nhiên Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để sản xuất thuốc trong nước, 75% vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ).
Đại diện Bộ Y tế cho rằng hội chợ lần này là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng nhằm hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh dược liệu; cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền… tăng cường kết nối giao thương nhằm phát triển thị trường sản phẩm dược liệu, y dược cổ truyền.
Hội chợ diễn ra trong 3 ngày 21 đến 23-11 tại TP HCM, với hơn 400 gian hàng của 300 tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở nuôi trồng dược liệu, bệnh viện y học cổ truyền, hội đông y trong nước và quốc tế.
Đây cũng là điểm mua sắm dược liệu, thuốc cổ truyền tin cậy, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân TP HCM và các địa phương trên toàn quốc. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dược liệu sạch, an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng; giúp người dùng phân biệt, nhận diện các sản phẩm dược liệu có nguy cơ bị làm giả.