Bộ Y tế cảnh báo cẩn trọng với quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Người dân có thể chủ động tra cứu thông tin các sản phẩm đã được cấp phép tại các cổng thông tin điện tử chính thức của Bộ Y tế để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống hiện đại nhờ vai trò bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ cải thiện sức khỏe.

Tuy nhiên, thực trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của các sản phẩm này đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây hiểu lầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Trước tình trạng đó, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều cảnh báo, đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm để bảo vệ người dân.

Theo Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là sản phẩm được sử dụng để bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường hoặc cải thiện chức năng sinh lý của cơ thể, đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Song các loại sản phẩm này không có tác dụng điều trị bệnh và không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh lý, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Mặc dù đã có quy định rõ ràng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lợi dụng tâm lý muốn chữa bệnh nhanh, dứt điểm của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật.

Một số sản phẩm được giới thiệu với lời lẽ như “giúp khỏi bệnh hoàn toàn”, “tác dụng sau vài ngày sử dụng”, “bài thuốc gia truyền”, “100% thảo dược tự nhiên”, “đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm công dụng”, đi kèm hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế mặc áo blouse trắng để tăng độ tin cậy. Đặc biệt, các quảng cáo này thường bỏ qua dòng cảnh báo bắt buộc: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Cục An toàn thực phẩm khẳng định đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về quảng cáo, gây nhầm lẫn giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc điều trị.

Điều này không chỉ làm mất niềm tin của người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, đặc biệt đối với những người bệnh tự ý sử dụng sản phẩm mà bỏ qua việc điều trị y tế chính thống.

Bên cạnh nguy cơ hiểu nhầm về công dụng, một số sản phẩm còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu là hàng giả, hàng nhái hoặc không rõ nguồn gốc. Việc sử dụng những sản phẩm không được kiểm định kỹ lưỡng có thể gây kích ứng, ngộ độc hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dùng.

Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế và Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Những sản phẩm không có giấy tờ hợp lệ, quảng cáo sai lệch, hoặc sử dụng hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng để quảng bá sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ nhãn mác sản phẩm trước khi sử dụng. Trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với hàng nhập khẩu) cần có đầy đủ các thông tin như: tên sản phẩm, thành phần, định lượng, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng, khuyến cáo về nguy cơ nếu có.

Đặc biệt phải ghi rõ cụm từ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” và “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Ngoài ra, phải có số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có), cùng tên và địa chỉ của đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Người dân có thể chủ động tra cứu thông tin các sản phẩm đã được cấp phép tại các cổng thông tin điện tử chính thức của Bộ Y tế như: https://vfa.gov.vn, https://dichvucong.moh.gov.vn, hoặc https://congkhaiyte.moh.gov.vn.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là sản phẩm hỗ trợ, không phải là “thần dược” như nhiều quảng cáo đang dẫn dắt. Nếu được sử dụng đúng cách, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, chúng có thể giúp nâng cao thể trạng, hỗ trợ phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng sai mục đích hoặc tin vào lời quảng cáo vô căn cứ có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cơ bản về thực phẩm bảo vệ sức khỏe và lựa chọn sản phẩm một cách thông minh, có trách nhiệm.

Sự cảnh giác và chủ động của người dân, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý, sẽ là “lá chắn” quan trọng giúp ngăn chặn những hành vi trục lợi, sai phạm trong lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-y-te-canh-bao-can-trong-voi-quang-cao-sai-su-that-ve-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-d269281.html
Zalo