Bộ Xây dựng sau hợp nhất sẽ quản lý năm nhóm giao thông vận tải
Sau khi hợp nhất với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng mới sẽ đảm nhận quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không trên cả nước.
![Năm lĩnh vực giao thông vận tải sẽ được quản lý bởi Bộ Xây dựng sau hợp nhất. Ảnh: Minh Hoàng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_112_51476465/8b177dc94f87a6d9ff96.jpg)
Năm lĩnh vực giao thông vận tải sẽ được quản lý bởi Bộ Xây dựng sau hợp nhất. Ảnh: Minh Hoàng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng sau khi hợp nhất giữa 2 bộ, baochinhphu.vn đưa tin.
Theo đó, Bộ Xây dựng là cơ quan Chính phủ, quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, công sở, bất động sản, vật liệu xây dựng và giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không) và quản lý các dịch vụ công thuộc lĩnh vực phụ trách.
Bộ Xây dựng hợp nhất sẽ có 19 đơn vị giúp bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước gồm các vụ, cục và thanh tra, cùng 4 đơn vị sự nghiệp công lập là Trung tâm Công nghệ thông tin, Báo Xây dựng, Tạp chí Xây dựng và Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng.
Trong số này, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam có con dấu hình Quốc huy.
Bộ GTVT đề xuất các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng và Bộ GTVT tiếp tục hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi Bộ Xây dựng hoàn tất sắp xếp tổ chức. Vụ Quản lý doanh nghiệp duy trì đến khi tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, chậm nhất hết năm 2030 phải giải thể.
Bộ Xây dựng sẽ thực hiện khoảng 32 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể hiện đang giao Bộ Xây dựng và Bộ GTVT thực hiện, không bao gồm các nhiệm vụ trùng lặp, được chia thành 4 nhóm.
Nhóm 1 là các nhiệm vụ như trình các dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quan trọng; trình Chính phủ, Thủ tướng dự thảo văn bản theo phân công; ban hành thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý.
Nhóm 2 là các nhiệm vụ quản lý nhà nước như quản lý hạ tầng đô thị, môi trường xây dựng và giao thông; thực hiện đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ; lưu trữ số liệu, cung cấp dịch vụ công, hỗ trợ phát triển các lĩnh vực liên quan; đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác và hội nhập quốc tế; cải cách hành chính, quản lý hội, tổ chức; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nhóm 3 gồm các nhiệm vụ đặc thù. Trong đó, nhóm xây dựng sẽ đảm nhận nhiệm vụ quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị, đầu tư xây dựng, nhà ở, bất động sản, vật liệu xây dựng.
Nhóm GTVT sẽ đảm nhận nhiệm vụ kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, vận tải, đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên môn (trừ một số trường hợp đặc biệt), an toàn giao thông và lao động, quản lý doanh nghiệp…
Nhóm 4 là quản trị nội bộ, bao gồm quản lý tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, đầu tư và ngân sách nhà nước; thực hiện nhiệm vụ theo phân công, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng và pháp luật.