Bộ Xây dựng phát công điện yêu cầu rà soát toàn diện xử lý bất cập một số sự cố giao thông
Liên tiếp các sự cố giao thông xảy ra trên đường bộ, hàng không và đường thủy, mới đây Bộ Xây dựng phát công điện khẩn, yêu cầu rà soát toàn diện và xử lý dứt điểm bất cập.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa có công điện hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan, yêu cầu tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, cao tốc, đường thủy, hàng không và hàng hải.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, trong 4 tháng đầu năm 2025, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tai nạn giao thông giảm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Ý thức của người dân khi tham gia giao thông đã có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại xảy ra một loạt vụ việc gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đồng thời cho thấy nhiều lỗ hổng, bất cập trong tổ chức giao thông và hạ tầng.
Cụ thể, vụ lật xe khách xảy ra ngày 26/4 tại tỉnh Vĩnh Phúc khiến nhiều người thương vong; sự cố nghiêm trọng tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 7/5 làm dấy lên lo ngại về quy trình đảm bảo an toàn bay; vụ va chạm tàu làm tràn dầu tại TP.HCM hôm 25/4 ảnh hưởng đến môi trường và giao thông đường thủy; hay vụ sụt lún mặt đường tại Tây Ninh vào ngày 11/5/2025 cho thấy nguy cơ tiềm ẩn từ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, hàng loạt bất cập trong tổ chức giao thông tại các tuyến đường cao tốc – nơi lưu lượng phương tiện ngày một tăng cao – cũng đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, chấn chỉnh kịp thời.

Cây cầu tại Tây Ninh chỉ vừa khánh thành bất ngờ bị sập sáng 11/5, tạo hố sâu giữa cầu khiến ô tô rơi xuống, hư hỏng nặng.
Trước thực trạng đó, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương vào cuộc, thực hiện nghiêm túc các kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng công tác giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô – lĩnh vực có nguy cơ cao gây tai nạn nếu buông lỏng kiểm soát.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc rà soát, khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông, hệ thống biển báo, hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một yêu cầu đáng chú ý khác là: các địa bàn thu hút đông khách du lịch – nơi thường xảy ra tình trạng quá tải giao thông – phải chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, cần sẵn sàng phương án tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn đường thủy trong mùa mưa lũ 2025 đang đến gần.
Về phần mình, Bộ Xây dựng giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì kiểm tra, rà soát toàn diện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên cả nước. Trọng tâm là các tuyến cao tốc – nơi thường xuyên ghi nhận các tình huống nguy hiểm liên quan đến tốc độ, làn đường, biển báo, lối ra vào, vạch kẻ và các nút giao phức tạp.
Cục Đường bộ cũng phải khẩn trương tổng hợp báo cáo, đề xuất hướng xử lý, trình lãnh đạo Bộ xem xét và chỉ đạo điều chỉnh kịp thời theo tình hình thực tiễn.

Khoảng 9h15 ngày 26/4, tại Km 19+250, QL2B, thuộc địa bàn xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã xảy ra vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng.
Đối với giao thông hàng hải và đường thủy nội địa, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong xử lý sự cố tràn dầu ở TP.HCM. Đồng thời, các đơn vị này cần rà soát toàn bộ các điểm có nguy cơ va chạm, rủi ro cao, kiến nghị giải pháp phòng ngừa tai nạn cho cả trước mắt và lâu dài.
Riêng lĩnh vực hàng không – nơi một sự cố nhỏ cũng có thể gây hậu quả khôn lường – Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nhanh chóng làm rõ nguyên nhân vụ việc xảy ra tại Cảng Tân Sơn Nhất hôm 7/5, tổ chức họp rút kinh nghiệm nghiêm túc, đồng thời triển khai kế hoạch tăng cường bảo đảm an toàn hàng không trong mùa cao điểm du lịch hè sắp tới.
Công điện của Bộ Xây dựng nêu rõ: hạ tầng giao thông đang bộc lộ nhiều bất cập, không còn là những sự cố đơn lẻ. Khi đường bộ xuống cấp, hàng không mất an toàn và vận tải thủy gặp rủi ro liên tiếp, cần nhìn nhận đây là cảnh báo mang tính hệ thống. Bộ yêu cầu rà soát toàn diện, phản ứng nhanh và tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành. Việc chấn chỉnh phải thực hiện nghiêm túc, không để sự chủ quan hay buông lỏng gây ra hậu quả lớn hơn trong thời gian tới.
Khám phá bên trong Trung tâm điều hành giao thông thành phố Hà Nội.