Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất giải pháp cầu bản rỗng trên cọc

Bộ Xây dựng đã tổ chức đoàn công tác tham quan công trình mẫu và nghe báo cáo về giải pháp xây dựng cầu bản rỗng trên cọc do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình đề xuất. Đây là một sáng kiến mới được kỳ vọng góp phần tiết kiệm chi phí, giảm phụ thuộc vào vật liệu xây dựng giao thông khan hiếm như cát, đồng thời rút ngắn thời gian thi công.

Hình ảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Xây dựng về nghiên cứu đề xuất giải pháp cầu bản rỗng trên cọc.

Hình ảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Xây dựng về nghiên cứu đề xuất giải pháp cầu bản rỗng trên cọc.

Ngày 15/5, tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 108/TB-VPCP ngày 17/3/2025 và Văn phòng Chính phủ tại Văn bản số 2800/VPCP-VN ngày 3/4/2025 về việc xử lý báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình liên quan đến giải pháp xây dựng cầu bản rỗng trên cọc, Bộ Xây dựng đã tổ chức đoàn công tác tới tham quan công trình mẫu và nghe báo cáo về giải pháp do công ty đề xuất.

Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng và chuyên gia trong ngành, nhằm đánh giá toàn diện tiềm năng ứng dụng thực tế của giải pháp trong các dự án hạ tầng giao thông như: Cục Kinh tế-Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng); Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng); Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải (Bộ Xây dựng).

Phát biểu tại buổi báo cáo, ông Nguyễn Hữu Đường-Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho biết: “Sáng kiến cầu bản rỗng trên cọc ống dự ứng lực đã được chúng tôi đề xuất gửi lên Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ hơn một năm trước. Giải pháp đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, và đã triển khai thử nghiệm thành công tại Bắc Ninh và cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Chúng tôi đã tiến hành thử tải và đo độ lún, kết quả đều đạt yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, giải pháp này không sử dụng cát là một vật liệu đang rất khan hiếm giúp giảm chi phí xuống còn một nửa so với phương pháp thi công truyền thống, đồng thời bảo đảm tiến độ nhờ hệ thống nhà máy ép cọc bê-tông sẵn có. Chúng tôi không bán phát minh này mà sẵn sàng hiến tặng để phục vụ lợi ích quốc gia.”

Ông Đinh Mạnh Đức, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) ghi nhận tiềm năng của sáng kiến:

“Đây là một giải pháp có khả năng ứng dụng tại một số công trình, vị trí phù hợp. Tuy nhiên, để có cái nhìn khách quan, chúng tôi đề nghị Công ty Hòa Bình hoàn thiện hồ sơ với các nội dung gồm: danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật đã áp dụng; hồ sơ khảo sát địa chất, thủy văn; hồ sơ thiết kế chi tiết và tổng mức đầu tư dự toán. Một giải pháp kỹ thuật cần được đánh giá toàn diện cả về kinh tế, kỹ thuật và tuổi thọ công trình, từ đó làm cơ sở báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ.”

Về mặt kỹ thuật, ông Đinh Quốc Hà, chuyên gia Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải, nhận định: “Kết cấu cầu bản rỗng trên cọc được tìm hiểu lần này đã có nhiều cải tiến so với kết cấu truyền thống, từ cấu trúc dầm, cọc đến việc gia cường phạm vi cốt thép. Dù chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng đã được triển khai tại một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia. Việc cải tiến nhằm nâng cao khả năng chịu uốn là điểm mới đáng chú ý. Tuy vậy, cần bổ sung thêm chi tiết kỹ thuật về chiều dài cọc, thiết kế dầm để bảo đảm an toàn kết cấu.”

Buổi làm việc thể hiện tinh thần cầu thị, đổi mới và sẵn sàng tiếp nhận các giải pháp công nghệ tiên tiến trong xây dựng hạ tầng. Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan để thẩm định, đánh giá và xem xét khả năng ứng dụng thực tế của giải pháp cầu bản rỗng trên cọc trong các dự án giao thông trọng điểm thời gian tới.

KIM CƯƠNG-THU HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bo-xay-dung-nghien-cuu-de-xuat-giai-phap-cau-ban-rong-tren-coc-post880075.html
Zalo