Bộ Tư pháp sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm

Sáng 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

Báo cáo sơ kết và các tham luận tại hội nghị cho thấy, kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 trên các lĩnh vực của bộ, ngành Tư pháp đều đạt kết quả tích cực. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt; nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc phạm vi quản lý của ngành được Quốc hội thông qua, được Chính phủ ban hành; công tác thẩm định VBQPPL được chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ; kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 VBQPPL (tương đương so với cùng kỳ 2023); các địa phương ban hành 1.528 VBQPPL cấp tỉnh, 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã. Thể chế trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư pháp Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 305.128 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 24 triệu lượt người; tổ chức 4.154 cuộc thi thu hút khoảng 4 triệu lượt người tham dự; phát hơn 22 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); số vụ việc hòa giải thành đạt tỉ lệ 83,4%, góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trung tâm lý lịch tư pháp (LLTP) quốc gia đã cập nhật và tạo lập, tích hợp vào cơ sở dữ liệu 158.411 thông tin (tăng 45,20% so với cùng kỳ năm 2023). Các sở tư pháp đã cấp được 609.054 phiếu LLTP (tăng 5,1% so với cùng kỳ 2023). Cả nước đã tiếp nhận, thực hiện 42.756 vụ việc trợ giúp pháp lý (tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023), hầu hết các vụ việc được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024, vẫn còn một số hạn chế như: tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; việc triển khai một số nhiệm vụ còn chậm; kết quả THADS chưa đạt được như kỳ vọng; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong một số lĩnh vực chưa kịp thời; vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng...

Báo cáo viên Sở Tư pháp tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho cán bộ làm công tác hòa giải tại thành phố Phủ Lý.

Báo cáo viên Sở Tư pháp tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho cán bộ làm công tác hòa giải tại thành phố Phủ Lý.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trên các lĩnh vực của toàn ngành thời gian qua; đồng thời đề nghị toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 130 nhóm nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của bộ, ngành Tư pháp. Chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL. Theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Tiếp tục triển khai hiệu quả pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kịp thời hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành; chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL theo chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng PBGDPL Trung ương. Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2024. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, chú trọng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng, nâng cấp, triển khai và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng; thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương bám sát chỉ đạo của bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung số hóa hồ sơ, giấy tờ tư pháp thuộc thẩm quyền.

Người dân nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Kiểm soát TTHC tỉnh.

Người dân nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Kiểm soát TTHC tỉnh.

Cùng với đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp, pháp luật có trình độ, chuyên môn tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nguyễn Khánh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/bo-tu-phap-so-ket-cong-tac-tu-phap-6-thang-dau-nam-128860.html
Zalo