Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vạch lằn ranh đỏ với Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hôm 12/2 (giờ địa phương) đã lên tiếng về vấn đề đảm bảo an ninh cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Washington không tin rằng việc kết nạp Kiev vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là kết quả thực tế của giải pháp sau quá trình đàm phán.

Tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO ở Brussels (Bỉ) hôm 12/2, khi đề cập đến thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa Kiev và Moscow, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố: "Cần phải nói rõ, Mỹ sẽ không triển khai binh sĩ đến Ukraine như một phần của bất kỳ điều khoản đảm bảo an ninh nào".

Bên cạnh đó, ông Pete Hegseth cũng nhấn mạnh sẽ là không thực tế khi nghĩ rằng Ukraine có thể quay trở lại đường biên giới trước năm 2014, đồng thời loại trừ khả năng trao tư cách thành viên NATO cho Ukraine như một phương thức đảm bảo an ninh với Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO ở Brussels (Bỉ) hôm 12/2. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO ở Brussels (Bỉ) hôm 12/2. Ảnh: Reuters

Theo giới chuyên gia, đây được coi là lằn ranh đỏ mà chính quyền Tổng thống Donald Trump vạch ra trong vấn đề giải quyết chiến sự Ukraine. Dù ông Pete Hegseth cho rằng một nền hòa bình lâu dài phải cần tới những đảm bảo an ninh mạnh mẽ để cuộc chiến sẽ không tái diễn, nhưng khẳng định những đảm bảo an ninh này không nên được cung cấp thông qua tư cách thành viên NATO, mà thay vào đó phải được hỗ trợ bởi binh sĩ châu Âu và những binh lính không thuộc châu Âu.

"Nếu những đội quân này được triển khai với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine tại bất kỳ thời điểm nào, họ nên được triển khai như một phần của nhiệm vụ không thuộc NATO và không nằm trong phạm vi của Điều 5 (mọi cuộc tấn công vũ trang vào một nước thành viên được coi là cuộc tấn công vào tất cả các thành viên). Ngoài ra, cũng phải có sự giám sát quốc tế chặt chẽ đối với đường giới tuyến", ông Pete Hegseth nói.

Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, Washington hiện cần phải tập trung vào đối phó với những mối đe dọa khác và đảm bảo an ninh biên giới của nước Mỹ. Mỹ sẽ vẫn duy trì cam kết với liên minh NATO và quan hệ đối tác quốc phòng với châu Âu, nhưng không chấp nhận mối quan hệ mất cân bằng trong liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Được biết, Tổng thống Donald Trump gần đây kêu gọi các thành viên NATO chi 5% GDP cho ngân sách quốc phòng. Trước đây, ông nhiều lần phàn nàn về mức chi tiêu quốc phòng quá thấp ở nhiều quốc gia châu Âu. Hiện châu Âu chiếm chưa đến 1/3 tổng ngân sách quốc phòng của NATO, khi đóng góp 442 tỷ USD trong tổng số 1,44 nghìn tỷ USD của liên minh.

Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) ở Anh nhận định, 5% GDP đóng góp cho NATO là con số khó có thể đạt được, khi một số quốc gia châu Âu thậm chí đã phải sử dụng các khoản ngoài ngân sách để tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian qua. Các nhà phân tích thêm rằng, ngay cả việc duy trì mức tăng ngân sách hiện tại cũng có thể trở thành thách thức đối với nhiều quốc gia thuộc lục địa già.

Kim Ngọc

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/bo-truong-quoc-phong-my-vach-lan-ranh-do-voi-ukraine--i758931/
Zalo