Bộ trưởng Nội vụ lý giải về đề xuất giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo thống nhất giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương như hiện nay nhằm đảm bảo tính ổn định tổng thể của cả hệ thống chính trị.
![Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_595_51483978/d76ef4c1c78f2ed1779e.jpg)
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: quochoi.vn
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 15/2, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh việc đồng tình mô hình chính quyền địa phương như dự luật, trong đó có cả HĐND và UBND.
Đại biểu nêu rõ việc không thể không có HĐND cấp xã được. Tuy nhiên thời gian qua đang thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, nên ông đề nghị nghiên cứu mô hình này sắp tới để thực hiện chung trên cả nước.
"Không thể chỉ thực hiện cho các thành phố trực thuộc Trung ương, trong khi các thành phố trực thuộc tỉnh cũng là đô thị," đại biểu Hòa nêu.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh băn khoăn khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong dự thảo "không có gì đổi mới, đi ngược với xu hướng tinh gọn bộ máy hiện nay".
Đại biểu Tuấn nhấn mạnh, chủ trương của Đảng qua nhiều kỳ đại hội đều chỉ đạo phải đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và đặc điểm nông thôn, hải đảo. Thực tiễn cũng cho thấy sau khi sửa Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, TP Đà nẵng, TP HCM và TP Hải phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện chính quyền đô thị một cấp và mang lại hiệu quả.
"Chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được thiết kế lại, phù hợp với đặc điểm của đô thị và đặc điểm của nông thôn," đại biểu Tuấn nói và đề nghị nghiên cứu trong khi chưa đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển.
![Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Ảnh: quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_595_51483978/afce8d61be2f57710e3e.jpg)
Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. Ảnh: quochoi.vn
Giữ mô hình chính quyền địa phương 'để tránh hụt hẫng'
Phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về việc cơ cấu lại mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo thống nhất giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương như hiện nay "nhằm đảm bảo tính ổn định tổng thể của cả hệ thống chính trị".
"Nếu điều chỉnh ngay sẽ có hẫng hụt trong vận hành hệ thống tổ chức và mô hình chính quyền địa phương. Vì vậy, mô hình vẫn tạm thời giữ nguyên và đề nghị đại biểu ủng hộ phương án này," Bộ trưởng Nội vụ nói.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ đã phối hợp Ban Tổ chức Trung ương để đánh giá, nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức trong đó có tổ chức chính quyền địa phương. Chính quyền đô thị vẫn thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội. Đô thị trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ hay TP Huế có thể đề xuất điều chỉnh.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc sửa Luật Chính quyền địa phương hướng đến tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa Chính phủ với địa phương.
"Chính phủ tiến đến sửa đổi căn bản và toàn diện. Nhưng có những vấn đề mang tính ổn định trước mắt để đảm bảo vận hành thông suốt của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Nếu điều chỉnh vấn đề này, vấn đề kia sẽ không thực hiện được sự liên thông, thống nhất để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, trong dự thảo luật giữa tháng 1, Bộ Nội vụ từng đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên cả nước. Tuy nhiên, dự thảo trình kỳ họp lần này đã bỏ đề xuất nêu trên, giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương như luật hiện hành; trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
Dự luật nêu các đơn vị hành chính của Việt Nam bao gồm cấp tỉnh (gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), xã (xã, phường, thị trấn) và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Trong thảo luận tổ tại ngày 13/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh "hiện nay không thể bỏ HĐND cấp xã".
Chủ tịch Quốc hội cho biết, một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng đã thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường. Những nơi có chủ trương thí điểm thì tiếp tục thực hiện, sau đó tổng kết để xem xét có nhân rộng hay không.
Còn thực tế, nếu không tổ chức HĐND cấp xã thì phải nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
"Chúng ta thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Vậy thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là ở đâu? Chính là ở HĐND. Nếu đặt vấn đề không tổ chức HĐND thì ngoài Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ra, nhân dân sẽ phát huy quyền làm chủ ở đâu?," Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Đồng thời nhấn mạnh, ở địa phương, nhân dân là lực lượng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua tổ chức HĐND, nhân dân thể hiện quyền làm chủ của mình, giám sát hoạt động của chính quyền.