Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Luật Báo chí (sửa đổi) phải kiến tạo phát triển, đưa báo chí thành nhóm ngành của công nghiệp văn hóa

Sáng 17/4, tại Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc quan trọng với lãnh đạo các cơ quan báo chí chủ lực nhằm thảo luận về dự án Luật Báo chí (sửa đổi).

Cùng tham dự cuộc họp có Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình, cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chuyên môn thuộc Bộ VHTTDL. Về phía các cơ quan báo chí chủ lực có Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm; Tổng biên tập Báo Công an nhân dân Phạm Quang Khải, cùng đại diện lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và Báo Quân đội nhân dân.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của việc xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) trong bối cảnh Bộ VHTTDL vừa tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng yêu cầu Cục Báo chí và các đơn vị liên quan tập trung cao độ để đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án Luật.

Quảng cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Cổng thông tin Bộ VHTTDL)

Quảng cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Cổng thông tin Bộ VHTTDL)

Bộ trưởng quán triệt quan điểm chỉ đạo mới nhất của Đảng và Nhà nước, khẳng định Luật Báo chí (sửa đổi) phải kiến tạo sự phát triển, mở ra không gian sáng tạo mới và đưa báo chí trở thành một nhóm ngành của công nghiệp văn hóa. Đồng thời, luật phải đảm bảo vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, tuyên truyền chủ trương, chính sách, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhấn mạnh những thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, cùng với yêu cầu quy hoạch, sắp xếp bộ máy, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí chủ lực thẳng thắn đóng góp ý kiến vào những vấn đề "băn khoăn, trăn trở" của hoạt động báo chí hiện nay.

Theo Cục Báo chí, Bộ VHTTDL, việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là định hướng "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" của Đại hội XIII và các quy định của Hiến pháp năm 2013. Mục tiêu là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hóa những vấn đề đã rõ, rà soát và khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ tập trung vào bốn nội dung lớn: Tăng cường công tác quản lý hoạt động báo chí; Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Bộ VHTTDL khẳng định, các quy định mới sẽ chặt chẽ hơn nhưng vẫn đảm bảo hành lang thông thoáng để các cơ quan báo chí phát triển, đặc biệt khuyến khích phát triển đa nền tảng, đa dịch vụ và thúc đẩy kinh tế báo chí.

Việc sửa đổi Luật cũng nhằm khắc phục những hạn chế của quy định hiện hành, phân biệt rõ báo và tạp chí để chống tình trạng "báo hóa" tạp chí, quy định cụ thể các khái niệm, khắc phục tình trạng "tư nhân hóa" báo chí, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đồng thời quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng hướng đến việc tạo môi trường phát triển lành mạnh cho tạp chí khoa học và khắc phục những bất cập trong quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.

P.Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-luat-bao-chi-sua-doi-phai-kien-tao-phat-trien-dua-bao-chi-thanh-nhom-nganh-cua-cong-nghiep-van-hoa-10287309.html
Zalo