80 công trình, dự án khởi công, khánh thành trên cả nước

80 công trình, dự án khởi công, khánh thành trên cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Thành phố Hồ Chí Minh có 06 công trình, dự án.

Sáng 19/4, TP. Hồ Chí Minh tổ chức khởi công, khánh thành nhiều dự án giao thông trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các dự án gồm: Nhà ga T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (quận Tân Bình); thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; khánh thành và đưa vào sử dụng công trình xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn.

Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, kết nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, vẫn đang trong quá trình thi công. Đây là cây cầu dây văng lớn nhất thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, kết nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, vẫn đang trong quá trình thi công. Đây là cây cầu dây văng lớn nhất thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Cũng trong sáng cùng ngày, Thành phố tổ chức Lễ khởi công hạng mục lấn biển thuộc Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ) và khởi công Dự án Vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh (gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn).

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đến nay đã đưa vào khai thác gần 30 km trên tổng chiều dài toàn tuyến là 57,8 km.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đến nay đã đưa vào khai thác gần 30 km trên tổng chiều dài toàn tuyến là 57,8 km.

Ghi nhận tại lễ thông xe kỹ thuật Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn từ nút giao Quốc lộ 1 (Km3+420) đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (Km21+850), đây là một trong những điểm cầu trực tuyến kết nối với các công trình, dự án khởi công, khánh thành trên cả nước, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 57,8 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Long An (2,7 km), TP. Hồ Chí Minh (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km). Tổng mức đầu tư là 29.587 tỷ đồng, sử dụng các nguồn vốn vay JICA, vay ADB, vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước và vốn của VEC.

Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối giao thông miền Tây và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh; góp phần giảm ùn tắc và áp lực cho hệ thống giao thông khu vực, bao gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến đường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong quá trình triển khai dự án, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý, tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và người lao động VEC đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành và đưa vào khai thác từng đoạn tuyến thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đoạn tuyến phía Tây của dự án, từ nút giao TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương (Km0+600) đến nút giao Nguyễn Văn Tạo, tiếp tục được thông xe, có chiều dài hơn 21 km

Đoạn tuyến phía Tây của dự án, từ nút giao TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương (Km0+600) đến nút giao Nguyễn Văn Tạo, tiếp tục được thông xe, có chiều dài hơn 21 km

Tiếp nối những thành quả đó, sáng nay, đoạn tuyến phía Tây của dự án, từ nút giao TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (Km0+600) đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (Km21+850), có chiều dài hơn 21 km, đi qua 2 tỉnh, thành phố: Long An (huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc) và TP. Hồ Chí Minh (huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè), tiếp tục được thông xe và đưa vào khai thác phục vụ người dân.

Cụ thể, đoạn tuyến gồm 06 gói thầu: A1, A2, A3, A4, A1-1 và XL-A2.2-4. Điểm đầu thuộc gói thầu A1-1 (giao giữa cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và đường Vành đai 3); điểm cuối thuộc gói thầu XL-A2.2-4 (giao với đường Nguyễn Văn Tạo).

Về quy mô, phần đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A (TCVN 5729:1997), với 4 làn xe lưu thông, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Đoạn từ nút giao đường vào cảng Phước An đến Quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai), dài 7 km, đã được thông xe trong dịp Tết Nguyên đán 2025

Đoạn từ nút giao đường vào cảng Phước An đến Quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai), dài 7 km, đã được thông xe trong dịp Tết Nguyên đán 2025

Việc khai thác toàn bộ đoạn tuyến phía Tây từ nút giao TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (Km0+600) đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (Km21+850) sẽ góp phần giảm tải giao thông cho khu vực cửa ngõ phía Tây TP. Hồ Chí Minh; kết nối hiệu quả giữa Long An và TP. Hồ Chí Minh; đặc biệt là tạo sự thông suốt giữa miền Tây và cụm cảng Hiệp Phước, thuận lợi cho người dân và giao thương hàng hóa, thay vì phải di chuyển vòng qua trung tâm TP. Hồ Chí Minh.

Khởi công Dự án Vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh (gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn)

Khởi công Dự án Vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh (gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn)

Như vậy, hơn 21 km đoạn tuyến phía Tây cùng với 7 km đoạn từ nút giao Phước An (Km50+530) đến nút giao Quốc lộ 51 (Km57+581) đã nâng tổng chiều dài đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đưa vào khai thác lên gần 30 km. Đây là động lực quan trọng để VEC tiếp tục nỗ lực, quyết tâm hoàn thành toàn bộ 57,8 km tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành vào năm 2026.

Nguyễn Sử/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/80-cong-trinh-du-an-khoi-cong-khanh-thanh-tren-ca-nuoc-post1193200.vov
Zalo