Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở 8 giải pháp cho Sơn La tiếp tục đà tăng trưởng
Đánh giá cao những điểm sáng về kinh tế xã hội của tỉnh Sơn La trong 3 tháng đầu năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gợi mở một số giải pháp trọng tâm để tỉnh đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên mà Chính phủ giao trong năm 2025.
Nhiều điểm sáng trong 3 tháng đầu năm
Phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Sơn La sáng 26/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả của lãnh đạo tỉnh Sơn La và các cơ quan chức năng của tỉnh trong công tác chuẩn bị cho buổi làm việc.
Theo Bộ trưởng, Sơn La là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả toàn diện trong kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị khác.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, Đảng, Nhà nước đã xác định trên phạm vi cả nước phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 8% trở lên. Vì thế, Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ đã giao các tỉnh, thành phố phải đạt mục tiêu 8% trở lên.
Ngay từ đầu năm, Sơn La đã nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 5,5% lên 8%; kịp thời bổ sung 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm thực hiện mục tiêu Chính phủ giao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá trong 3 tháng đầu năm 2025, kinh tế - xã hội của Sơn La có nhiều điểm sáng
Trong 3 tháng đầu năm 2025, kinh tế - xã hội của Sơn La có nhiều điểm sáng, một số lĩnh vực có kết quả cao hơn so với mức bình quân chung cả nước.
Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng gần 15% so với cùng kỳ, cao gấp 2 lần cả nước (7,8%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,5%, cao gấp 1,5 lần cả nước (9,9%). Xuất khẩu tăng 18% so với cùng kỳ, gấp 1,5 lần cả nước (13,7%). Thu ngân sách nhà nước đạt gần 8.700 tỷ đồng, bằng 40,3% so với dự toán năm, cao hơn mức chung cả nước (36,7%).
Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, các sản phẩm du lịch dần khẳng định thương hiệu, trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Tỉnh cũng đã chủ động, tích cực triển khai các dự án quan trọng trên địa bàn như dự án đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn qua tỉnh Sơn La) và nghiên cứu, đề xuất dự án tuyến đường bộ cao tốc đoạn Mộc Châu - TP Sơn La; Dự án Cảng hàng không Nà Sản…
"Tại cuộc họp hôm nay, tỉnh tiếp tục đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành ủng hộ để tỉnh khởi động dự án cao tốc Sơn La - Yên Bái. Đường mở đến đâu thì kinh tế - xã hội phát triển đến đó, chúng tôi đồng tình sẽ cùng với tỉnh kiến nghị cho dự án này năm 2026", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia của Sơn La đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và miền núi tiếp tục được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát được chú trọng, tỷ lệ triển khai hỗ trợ đến nay đã đạt 87% dù số lượng nhà cần hỗ trợ là rất nhiều.
Việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã được thực hiện khẩn trương, từ việc ban hành Kế hoạch đến triển khai các nhiệm vụ giải pháp cụ thể.
Trong bối cảnh chung của cả nước và thế giới còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng những kết quả mà Sơn La đạt được là nỗ lực rất lớn của tỉnh.
"Nếu phát huy được tinh thần này, khí thế này, hy vọng năm 2025 tỉnh sẽ đạt được toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tám nhóm giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, đoàn công tác của Chính phủ cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Sơn La đã đề ra, đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để đạt được các mục tiêu Chính phủ giao.
Thứ nhất, đề nghị tỉnh giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể năm 2025 cho từng ngành, theo từng tháng, từng quý để có cơ sở giám sát, đôn đốc (thay vì giao chung 8% như hiện nay), đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc để thực hiện thành công kịch bản tăng trưởng. Tiếp tục tìm kiếm, phát huy các động lực tăng trưởng mới (bên cạnh ngành sản xuất và phân phối điện) như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, năng lượng sạch phục vụ sản xuất, xuất khẩu xanh, trao đổi tín chỉ carbon.
"Chúng tôi rất đồng tình với những hướng đi như việc khai thác mặt hồ thủy điện Sơn La theo mô hình kinh tế đa chiều, phát triển mặt trời nổi để phủ đỉnh cho thủy điện Sơn La, hay thực hiện các hợp đồng mua bán điện trực tiếp với các nhà máy, cơ sở sản xuất cần đạt chứng chỉ xanh,... để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương", Bộ trưởng bày tỏ, đồng thời cho biết tỉnh cần phối hợp với EVN để đầu tư xây dựng các đường dây truyền tải liên miền và nội miền để giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo.
Thứ hai, Sơn La cần chủ động phát hiện và kịp thời tháo gỡ thực chất, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là các dự án về năng lượng, bất động sản theo chủ trương tại Nghị quyết 170 ngày 30/11/2024 của Quốc hội, Nghị quyết 233 ngày 10/12/2024 và Nghị định 76 ngày 01/4/2025 của Chính phủ) để giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án bao gồm cả nguồn điện và truyền tải, hay các dự án khoáng sản, nếu triển khai đồng bộ thì đây sẽ là động lực mới, dư địa mới để tỉnh có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh mạnh dạn đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các vướng mắc về thể chế, chính sách, hoặc cho phép áp dụng các chủ trương, chính sách đã thí điểm thành công tại một số địa phương, lĩnh vực (như với các dự án năng lượng tái tạo, dự án bột giấy Phương Nam, các dự án bất động sản tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh,…). Đoàn công tác của Chính phủ sẽ đồng hành với tỉnh trong quá trình này.
Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt với các dự án hạ tầng trọng điểm, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được Chính phủ giao; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trước mắt và tạo dư địa phát triển lâu dài.

Thứ ba, chỉ đạo khẩn trương rà soát các dự án ưu tiên đầu tư được xác định trong các Quy hoạch ngành quốc gia mới được điều chỉnh (như Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) để cập nhật vào Quy hoạch, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan ở địa phương làm cơ sở tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; đồng thời, bố trí quỹ đất phù hợp, đẩy mạnh thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện các dự án đã được quy hoạch (như: các dự án nguồn điện với tổng công suất 1.233 MW và 15 dự án lưới điện; 37 dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; 26 dự án phát triển KCN, CCN; 26 dự án khu và vùng nông nghiệp công nghệ cao; dự án phát triển Khu du lịch quốc gia, 5 dự án phát triển Khu du lịch cấp tỉnh, 02 trung tâm logistics...).
Cùng với đó, quy hoạch để hình thành các hệ sinh thái công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Chú trọng thiết lập và thực hiện nghiêm thiết chế về tính kỷ luật, tuân thủ trong triển khai thực hiện quy hoạch, kiên quyết thay thế các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ, quyết tâm không để xảy ra tình trạng quy hoạch treo.
Thứ tư, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại nội địa; chú trọng phát triển thương mại điện tử, khai thác thế mạnh kinh tế cửa khẩu; đồng thời, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu. Bộ trưởng gợi ý địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn địa phương quan tâm tham dự các Hội nghị giao ban định kỳ với thương vụ Việt Nam tại nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức hàng tháng để tìm đầu ra cho sản phẩm của địa phương.
Thứ năm, tập trung triển khai hiệu quả các Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và Nghị quyết 59 về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất, xuất khẩu.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt rà soát, cắt giảm các thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn phù hợp theo đúng chỉ đạo của TTgCP tại Chỉ thị số 05 ngày 01/3/2025 và Công điện số 22 ngày 09/3/2025 (giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện TTHC và 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp).

Thứ bảy, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, chính sách an sinh xã hội; đặc biệt cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Thứ tám, Sơn La là một trong 11 địa phương không điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, nhưng việc sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp cũng sẽ dẫn đến các tác động nhiều chiều. Do vậy, tỉnh cần tập trung sớm hoàn thành việc sắp xếp, ổn định bộ máy, nhân sự, không để bị ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, dành nguồn lực tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khẩn trương rà soát, sắp xếp, bố trí xử lý các trụ sở làm việc, tài sản công dôi dư sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy đơn vị hành chính, bảo đảm sử dụng, khai thác có hiệu quả, tránh lãng phí, tạo thêm nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - ã hội địa phương.
Đồng thời, tỉnh cũng cần chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành ở mỗi cấp, mỗi ngành; đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, gắn với tăng cường công tác hậu kiểm; Chú trọng làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền vận động sâu rộng trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của cấp ủy, chính quyền địa phương về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng cho biết tại cuộc họp, đại diện các Bộ ngành đã trao đổi, chia sẻ thông tin. Sau buổi làm việc này, đoàn công tác sẽ tiếp tục gửi các kiến nghị của tỉnh đến các Bộ, ngành có liên quan và đôn đốc, tập hợp các ý kiến trả lời. Các Bộ ngành sẽ giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành; những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ được tổng hợp, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Đình Việt bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp đã giải đáp, gợi mở nhiều nội dung, hướng phát triển cho Sơn La để xử lý các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, Chủ tịch tỉnh khẳng định sẽ tiếp thu, tích cực triển khai các ý kiến chỉ đạo.