Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Rủi ro về một 'cuộc chiến thương mại' toàn cầu đang hiện hữu
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đất nước đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn...; đặc biệt là rủi ro về một 'cuộc chiến thương mại' toàn cầu đang hiện hữu. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.
Thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp (sáng 10/2), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đất nước đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn với sự ra đời của các ngành công nghiệp mới; sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư; sự điều chỉnh trong cấu trúc thương mại, gia tăng hàng rào thuế quan; xung đột vũ trang; đặc biệt là rủi ro về một "cuộc chiến thương mại" toàn cầu đang hiện hữu. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.
![Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_197_51437836/fe54ad5696187f462609.jpg)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Qua gần 40 năm Đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 05 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước - đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích.
Việt Nam đã xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 phải đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026 nhằm hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn về Kỷ nguyên phát triển mới và mục tiêu chiến lược đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm.
Trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
![Nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_197_51437836/c1169414af5a46041f4b.jpg)
Nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả.
Quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất
Với mục tiêu nêu trên, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi mở 6 định hướng và giải pháp. Trong đó, một là, phải thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế xã hội. Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hai là, tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là "đột phá của đột phá", tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, BOT, BT, giao thông, năng lượng tái tạo…, trước mắt, tập trung cho các dự án tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương lớn để giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế ngay trong năm 2025.
Thứ ba, khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Trong đó, tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, mở ra không gian phát triển mới; các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, trung tâm dữ liệu quốc gia… Đồng thời, có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Hình thành, phát triển các ngành kinh tế gắn với các trung tâm mới như cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chu Lai, các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các khu thương mại tự do, ga đường sắt tốc độ cao…
Thứ tư, thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại.
Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc
![Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_197_51437836/80a4eaa6d1e838b661f9.jpg)
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế; phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Có chính sách đủ mạnh để tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Thu hút FDI có chọn lọc, gắn kết với việc phát triển doanh nghiệp trong nước, dựa trên mối quan hệ "tương hỗ", hai bên cùng có lợi, cùng phát triển. Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho các cán bộ kỹ thuật từng làm việc trong doanh nghiệp FDI.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo và tham gia sâu hơn vào cụm liên kết, chuỗi giá trị.
Thứ sáu, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất những mặt hàng trong nước có thế mạnh, có khả năng duy trì và chiếm lĩnh dần thị trường trong nước.
Tập trung triển khai thực chất cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt", kích hoạt các xu hướng tiêu dùng bền vững, tiêu dùng những mặt hàng mang giá trị nội địa cao.
Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các nước mới nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện, các thị trường mới, tiềm năng...