Bộ trưởng người tị nạn của chính quyền Taliban thiệt mạng vì bị đánh bom
Bộ trưởng Bộ Người tị nạn và Hồi hương của chính quyền Taliban tại Afghanistan Khalil Ur-Rahman Haqqani đã thiệt mạng ngày 11/12 trong một vụ đánh bom tại thủ đô Kabul. Đây có thể sẽ là sự kiện khởi đầu cho những bất ổn mới tại Afghanistan trong giai đoạn cầm quyền thứ hai của Taliban.
Vụ tấn công xảy ra ngay tại trụ sở Bộ Người tị nạn và Hồi hương Afghanistan ở thủ đô Kabul ngày 11/12 cướp đi sinh mạng của 5 người, trong đó có Bộ trưởng Khalil Ur-Rahman Haqqani. Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid đã xác nhận thông tin này; trong khi các quan chức của Bộ Nội vụ cho biết đây là một vụ đánh bom tự sát. Hiện chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Cái chết của Khalil Ur-Rahman Haqqani được coi là một mất mát đáng kể đối với chính quyền Taliban, lực lượng lên nắm quyền tại Afghanistan kể từ Mỹ hoàn tất việc rút quân đội khỏi quốc gia Nam Á này vào tháng 8/2021. Khalil giữ chức vụ Bộ trưởng phụ trách người tị nạn kể từ thời điểm đó.
Khalil Ur-Rahman Haqqani, 58 tuổi, là nhân vật cấp cao trong Mạng lưới Haqqani- nhóm chiến binh chịu trách nhiệm cho nhiều cuộc tấn công bạo lực trong hai thập kỷ nổi dậy của Taliban. Khalil được biết đến rộng rãi vì vai trò của ông trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn leo thang kể từ sau khi Taliban trở lại nắm quyền năm 2021. Ông cũng là chú của Sirajuddin Haqqani, Bộ trưởng Nội vụ hiện tại của Taliban. Vụ đánh bom xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng và tình hình an ninh bất ổn leo thang tại Afghanistan. Vị trí của Khalil Ur-Rahman Haqqani trong Taliban, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của ông tại cơ quan phụ trách người tị nạn, đưa ông trở thành nhân vật không thể thiếu trong các nỗ lực giải quyết vấn đề nhân đạo mà đất nước bị chiến tranh tàn phá này đang phải đối mặt.
Nhiều giả thiết về thủ phạm của vụ đánh bom lập tức được đưa ra.
Khalil Ur-Rahman Haqqani bị ám sát tại một trong những địa điểm được coi là an toàn nhất với ông, bên cạnh những tay súng thuộc bộ tộc Zadran đáng tin cậy bảo vệ ông. Vụ tấn công làm dấy lên nghi ngờ về khả năng có những phần tử phản bội từ trong nội bộ hoặc xảy ra vi phạm nguyên tắc an ninh trong việc bảo vệ quan chức Taliban này. Tuy nhiên, người phát ngôn của chính quyền Taliban Zabihullah Mujahid đã tuyên bố đây là vụ ám sát do “Khawarij” hay Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành. ISIS-Khorasan, chi nhánh của nhóm khủng bố này đang hoạt động tại Afghanistan đã nhiều lần nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công nhằm vào nhiều nhân vật cấp cao của Taliban. Các vụ ám sát Thống đốc tỉnh Balkh Mullah Dawood Muzammil, phó Thống đốc tỉnh Badakhshan Nisar Ahmad Ahmadi là lý do IS bị nghi ngờ. Mặc dù mạng lưới Haqqani được cho là vẫn duy trì mối quan hệ tốt với các thành viên IS, nhưng vẫn không thể loại trừ khả năng tổ chức khủng bố này dính líu tới vụ ám sát.
Khalil Ur-Rahman Haqqani từng có tên trong Danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc. Mỹ cũng treo thưởng 5 triệu USD cho ai giúp bắt giữ được ông này, nên động cơ của vụ sát hại cũng có thể liên quan tới yếu tố tiền bạc.
Vụ nổ nhằm vào Bộ trưởng phụ trách vấn đề người tị nạn của Afghanistan xảy ra chỉ 3 ngày sau khi Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Sirajuddin Haqqani, cháu trai của ông, công khai chỉ trích phong cách lãnh đạo của Lãnh tụ tối cao Taliban Hibatullah Akhundzada. Mầm mống chia rẽ trong nội bộ Taliban có thể phát lộ từ đây.
Dư luận Afghanistan cho rằng mạng lưới Haqqani, dưới sự lãnh đạo của Sirajuddin Haqqani đã tạo ra ảnh hưởng đáng kể trong hệ thống phân cấp của Taliban. Tuy nhiên, sự bất đồng giữa phe Haqqani và các nhà lãnh đạo Kandahari trung thành với Hibatullah Akhundzada vẫn đang âm ỉ. Các nhà phân tích nhận định vụ ám sát Khalil Haqqani có thể báo hiệu sự gia tăng chia rẽ và thù địch trong nội bộ lực lượng nắm quyền tại Afghanistan.
Một chuyên gia về tình hình Afghanistan nhận xét: “Đây dường như là một lời cảnh báo từ lãnh tụ tối cao Hibatullah tới Sirajuddin Haqqani và phe Kabul. Thông điệp rằng sự bất đồng chính kiến sẽ không được dung thứ”.
Vụ ám sát Khalil Ur-Rahman Haqqani đánh dấu một diễn biến quan trọng trong cuộc tranh giành quyền lực nội bộ của Taliban. Trong bối cảnh ổn định chính trị của Afghanistan vốn đã rất mong manh dưới sự cai trị lần hai của Taliban, sự cố này được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong chế độ Hồi giáo hà khắc này.