Bộ trưởng Ngoại giao Rubio quản lý Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rubio tuyên bố ông trở thành quyền quản lý của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), xác nhận việc Bộ Ngoại giao tiếp quản cơ quan này.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio trong thư gửi các nhà lập pháp cho biết, ông trở thành quyền quản lý Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và đã ủy quyền quyền quản lý cho Pete Marocco, người được ông Trump bổ nhiệm từng phục vụ tại USAID trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Ông Marocco, người cũng đang giữ chức vụ đứng đầu bộ phận hỗ trợ nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã soạn thảo chỉ thị đóng băng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài.

Một viên chức phụ trách về viện trợ cho biết ông Marocco "biết hệ thống hoạt động như thế nào và đang phá bỏ nó ở mọi ngã rẽ".

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rubio.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rubio.

Tin tức tiếp quản xuất hiện vài giờ sau khi ông Elon Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới được giao nhiệm vụ cải tổ chính phủ liên bang, cho biết Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh đóng cửa cơ quan này.

Đảng Dân chủ cho rằng Tổng thống không được phép đóng cửa một cơ quan liên bang mà không tham khảo ý kiến của Quốc hội.

Ông Rubio cho biết thêm, ông đã ủy quyền cho ông Marocco "bắt đầu quá trình xem xét và tái tổ chức các hoạt động của USAID để tối đa hóa hiệu quả và điều chỉnh các hoạt động phù hợp với lợi ích quốc gia".

Phát biểu trước báo giới tại El Salvador, ông Rubio cho biết "các chức năng của USAID" phải phù hợp với chính sách đối ngoại của Mỹ.

"Vấn đề không phải là chấm dứt các chương trình mà USAID thực hiện", ông nói. "Có những việc USAID thực hiện tốt và có những việc mà chúng tôi phải đặt dấu hỏi mạnh mẽ".

Ông Trump nói ông không cần Quốc hội để bãi bỏ cơ quan này, cáo buộc USAID là "mang tính đảng phái".

"Chúng tôi chỉ muốn làm điều đúng đắn. Đó là điều đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu rồi. Họ đã phát điên trong chính quyền ông Biden. Số tiền họ đã trao cho những người không nên nhận được", ông Trump nói tại Phòng Bầu dục.

"Chúng tôi sẽ lập một báo cáo", ông Trump nói tiếp.

Các nhà lập pháp đảng Dân chủ phản ứng giận dữ trước các động thái của chính quyền Trump. Thượng nghị sĩ Chris Murphy gọi khoảnh khắc này là “một cuộc khủng hoảng hiến pháp”.

Logo và ảnh về hoạt động viện trợ của tổ chức này đã bị xóa ở nhiều nơi. Trang web cùng các tài khoản mạng xã hội của tổ chức này được thay thế bằng phiên bản thu gọn trên trang web của Bộ Ngoại giao.

“Đây là ngày tận thế tại USAID”, một viên chức USAID cho biết.

Một số người phản ứng bên ngoài trụ sở USAID. (Ảnh: Getty)

Một số người phản ứng bên ngoài trụ sở USAID. (Ảnh: Getty)

Các nhân viên của USAID phần lớn là nhân viên chính phủ lâu năm, nhận được email ngay sau nửa đêm rằng họ không nên đến văn phòng tại Washington.

Một nguồn tin làm việc tại tòa nhà phụ của USAID nói với CNN rằng các nhà quản lý khuyên mọi người nên thu dọn đồ đạc của mình để phòng trường hợp họ không thể tiếp cận trong những ngày tới.

Khi được hỏi liệu các nhà lãnh đạo trong bộ phận của họ có thông tin gì thêm về tương lai công việc của cơ quan hay không, nguồn tin cho biết: "Tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao của chúng tôi đều đã bị sa thải".

USAID được thành lập vào năm 1961 dưới thời chính quyền của Tổng thống John F. Kennedy và là nhánh viện trợ nhân đạo của chính phủ Mỹ. Hàng năm, tổ chức này phân phối hàng tỷ USD trên toàn thế giới trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, điều trị bệnh tật và ứng phó với nạn đói và thiên tai. Tổ chức này cũng hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, phương tiện truyền thông độc lập và các sáng kiến xã hội.

Các quan chức cho biết USAID là công cụ quyền lực mềm quan trọng của Mỹ để thúc đẩy quan hệ với các cộng đồng trên toàn thế giới, lưu ý rằng an ninh quốc gia Mỹ được tiếp cận theo trụ cột: quốc phòng, ngoại giao và phát triển, do Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và USAID dẫn đầu.

Phương Anh (Nguồn: CNN )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-truong-ngoai-giao-rubio-quan-ly-co-quan-phat-trien-quoc-te-my-ar923700.html
Zalo