Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về tư duy mới trong làm nông nghiệp
Năm 2024, ngành nông nghiệp đề ra hai nhiệm vụ quan trọng là lan tỏa sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế và tạo thêm nhiều không gian giá trị để nông nghiệp ngày càng vươn tầm.
Kế thừa những thành quả rực rỡ của năm 2023, bước sang năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục dồn sức để lan tỏa sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo ra nhiều không gian giá trị cho ngành này.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Thế giới giờ không đứng yên như chúng ta nghĩ. Người ta không đơn thuần mua một sản phẩm mà họ mua câu chuyện tạo ra sản phẩm đó của người nông dân, của một ngành hàng, của một đất nước”.
Sự khác biệt tạo ra thương hiệu
. Phóng viên: Bộ trưởng có đề cập đến việc mua câu chuyện tạo ra một sản phẩm của người nông dân, vậy cụ thể điều này như thế nào?
+ Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi hay nói là mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì sẽ khó khăn hơn. Chúng ta cân nhắc nhiều về cái giá phải trả cho sự thay đổi mà lại ít cân nhắc đến cái giá phải trả nếu không thay đổi.
Thế giới giờ không đứng yên như chúng ta nghĩ. Người ta không đơn thuần mua một sản phẩm mà người ta mua cái cách tạo ra sản phẩm đó. Ví dụ, tại sao người ta không mua một con cá được đánh bắt từ vi phạm IUU? Bởi đó là họ đang nhìn vào quá trình tạo ra con cá đó để quyết định mua hay không mua.
“Ngon” bây giờ không phải là yếu tố quyết định mà chỉ là một điều kiện cần. Ngoài ra, chữ “ngon” còn phải phù hợp với khẩu vị và văn hóa tiêu dùng của mỗi quốc gia.
Đặc điểm cố hữu của người dân mình là ai cũng nói rằng sản phẩm của mình tốt, ngon. Tôi ở Đồng Tháp thì tôi nói xoài Đồng Tháp ngon nhưng ông ở Tiền Giang lại nói xoài Tiền Giang ngon. Nhiều khi do chúng ta đẩy lên một cực rồi không hợp tác với nhau được, vì vậy phải cùng nhau liên kết lại thành một ngành hàng.
Bây giờ không phải là ngon nhất nữa, không cần đứng đầu nữa mà là sự khác biệt. Chính cái khác biệt mới tạo ra thương hiệu.
Luôn thích ứng với những xu hướng thay đổi
. Như Bộ trưởng vừa nói “Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng không thay đổi càng khó khăn hơn”. Điều này phải chăng cũng nhằm chỉ vào yêu cầu “xanh” đang diễn ra trên toàn cầu?
+ Thực ra chữ “xanh” đi sau chữ “nâu”. Trước đây ta nói nền kinh tế “nâu”, tức là nền kinh tế để phục vụ cuộc sống của con người. Tuy nhiên, do lạm dụng khai thác mà con người tạo ra sự biến dạng về mặt môi trường, biến dạng về mặt đa dạng sinh học. Có một điều cần nhớ rằng môi trường có thể tồn tại mà không cần con người nhưng con người không thể tồn tại mà không có một môi trường xanh.
Đã có thời mọi người nghĩ rằng muốn phát triển thì phải đánh đổi, hy sinh nhưng giờ bằng các khoa học công nghệ, bằng cách tiếp cận mới đã có thể hài hòa được vấn đề này.
Chẳng hạn, ngày xưa nói trồng lúa là phát thải khí nhà kính; chăn nuôi, thủy sản phát thải khí metan. Tuy nhiên, bây giờ với khoa học công nghệ như đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đề án thủy sản phát triển bền vững thì chữ “bền vững” đó chính là mục tiêu và giải pháp.
Hay trong xuất khẩu đồ gỗ, viên nén, châu Âu đã ra quy định về chống mất rừng (EUDR). Vậy thì hôm nay họ chỉ xem sản phẩm của nước xuất khẩu có vi phạm phá rừng hay không nhưng ngày mai có thể xét đến các vấn đề cao hơn như khi sản xuất gỗ, nhà sản xuất có dùng năng lượng hóa thạch hay không…
Thế giới cũng đã đặt trên bàn nghị sự chuẩn bị xem nguồn gốc tạo ra sản phẩm đó có sử dụng lao động trẻ em không, sản xuất có gây biến đổi khí hậu hay không. Không chỉ trực tiếp sản phẩm đó, mà còn các yếu tố tác động tạo ra sản phẩm đó, đặc biệt là năng lượng. Cả thế giới đã giảm nhiệt điện để giảm phát thải, nếu truy xuất ra nhà sản xuất vẫn sử dụng thì sẽ không mua nữa.
Tôi muốn nói lại các câu chuyện này để chúng ta thích ứng với xu thế xanh hóa toàn cầu, đây là một xu thế không đảo ngược được, quốc gia nào đi trước sẽ thành công trước.
Liên kết để tạo ra giá trị tốt nhất
. Những nhiệm vụ, mục tiêu mà ngành nông nghiệp đã đặt ra trong năm 2024 là gì, thưa Bộ trưởng?
+ Năm 2024, ngành nông nghiệp có hai nhiệm vụ trọng tâm.
Một là lan tỏa sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế. Thời gian qua, chúng ta luôn nói chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhưng quá trình chuyển đổi đó không đơn giản. Tư duy kinh tế nông nghiệp là làm sao trên một diện tích nông nghiệp đó, thậm chí diện tích còn bị thu hẹp lại nhưng tạo ra của cải nhiều hơn.
Hai là tạo ra nhiều không gian giá trị cho nông nghiệp. Nông nghiệp không chỉ là nông nghiệp, mà tích hợp cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, từ đó cộng hưởng thêm các giá trị, như nông nghiệp du lịch, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang, nông nghiệp công nghệ thông minh…
Chẳng hạn, lợi nhuận nông nghiệp du lịch thời gian đã tăng gấp sáu, thậm chí gấp 10 lần mà không phải đầu tư quá lớn. Cũng trên miếng vườn đó, người nông dân sắp xếp nhà cửa chỉn chu, biết nấu nướng, trau chuốt lại lời ăn tiếng nói, biết kể câu chuyện cho du khách… thì lợi nhuận thu được sẽ tăng cao.
Thực tế có những cái vô hình chưa được khai thác đôi khi còn tạo ra giá trị nhiều hơn cái hữu hình chúng ta đang theo đuổi.
Tôi cũng cho rằng bên cạnh tư duy từng năm một cần phải thay đổi thì phải nghĩ cho năm năm sau, 10 năm sau. Cùng với đó, tư duy về tăng trưởng cũng phải thay đổi nếu không sẽ sinh ra hệ lụy.
Nói một cách đơn giản nhất là những gì đang làm thì phải làm cho tốt và phải chuẩn bị cho những thứ tốt hơn nữa. Liên kết lại để các ngành hàng phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tạo ra thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ…
Thị trường trong nước hay ngoài nước cũng đều là thị trường, làm sao tiêu thụ được nông sản cho bà con nông dân với giá tối ưu nhất. Chẳng hạn, một sản phẩm nông dân bán giá 10 đồng trừ chi phí sản xuất 9 đồng thì lãi 1 đồng nhưng nếu bán với giá 8 đồng mà chi phí sản xuất chỉ hết 6 đồng thì lãi 2 đồng.
Bộ cũng đang làm một bộ chỉ số để đo đếm chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đo lường được thu nhập của nông dân. Đây mới là điều quan trọng nhất.
. Xin trân trọng cảm ơn bộ trưởng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp
Ngành nông nghiệp thời gian tới cần tập trung vào tám nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, cần tăng cường liên kết, tạo ra chuỗi giá trị, thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa trong và ngoài nước; sản xuất xanh, bền vững.
Cùng với đó, tập trung triển khai nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt các đề án, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, chú trọng đến các chương trình, đề án về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu; đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp…
Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH phát biểu tại Hội nghị đối thoại trực tiếp với nông dân vào ngày 30-12-2023
******
Nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Dù trải qua một năm 2023 đầy khó khăn nhưng tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỉ USD. Thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay với 12,07 tỉ USD, tăng 43,7%.
Cũng trong năm này, gạo ST25 lần thứ hai đoạt giải quán quân, ngon nhất thế giới. Lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỉ đồng. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả heo châu Phi.
Ngành cũng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đổi mới; nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Ngành nông nghiệp còn tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị bộ trưởng ASEAN về phòng, chống thiên tai... Qua đó, giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông, lâm, thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Chính những kết quả này một lần nữa khẳng định ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.