Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần thanh tra, kiểm toán việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng 2% kinh phí công đoàn là một sắc thuế nên phải có kế hoạch định kỳ hoặc thời gian nhất định để thanh tra, kiểm toán, thậm chí là báo cáo Quốc hội.

Trong phiên thảo luận tổ về dự án luật Công đoàn (sửa đổi) ngày 8-6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết kinh phí công đoàn là một trong những nội dung được các tổ chức công đoàn quan tâm nhiều nhất hiện nay.

Không phải ai quản lý kinh phí công đoàn cũng được

Ông Đào Ngọc Dung nhìn nhận bản chất khoản 2% kinh phí công đoàn là do doanh nghiệp và người sử dụng lao động đóng góp. Mục tiêu lớn nhất của khoản phí này là để chi cho chăm lo đời sống người lao động, chi cho tổ chức bộ máy, hoạt động của công đoàn bởi hiện nay công đoàn không lấy vào ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, thực tiễn hiện nay chỉ còn vài quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam… là đang duy trì khoản thu kinh phí công đoàn này, các nước khác gần như không còn.

 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: NT

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: NT

Cũng theo ông Dung, bản thân 2% kinh phí công đoàn là một sắc thuế. Do vậy, ông tán thành với ý kiến của Ủy ban Xã hội là cần báo cáo Quốc hội xem thời gian qua việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn này như thế nào, những mặt được và chưa được?

Ông cho rằng tài chính công đoàn phải có kế hoạch định kỳ hoặc thời gian nhất định để thực hiện kiểm toán Nhà nước hoặc thanh tra. "Tôi rất ủng hộ Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhưng đã là một sắc thuế thì phải quản lý theo sắc thuế chứ không phải ai muốn quản lý cũng được. Thậm chí sau này phải báo cáo để Quốc hội cho định hướng…" - ông Dung nói thêm.

Người đứng đầu ngành lao động nói khoản kinh phí 2% này lâu nay chỉ có công đoàn sử dụng nhưng tới đây theo dự thảo luật thì còn các tổ chức người lao động khác.

"Vậy xử lý thế nào? Việc phân phối 2% này thế nào là chuyện phải bàn" - ông Dung nói và dẫn kinh nghiệm các nước là nếu như có nhiều tổ chức của người lao động thì họ sẽ lập một ủy ban điều phối số tiền này.

Từ các phân tích, ông Đào Ngọc Dung nhắc lại đề nghị cần có báo cáo đầy đủ về sử dụng khoản kinh phí công đoàn. Việc phân phối khoản kinh phí này không nên quy định cứng vào luật mà nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Cách xử lý như thế sẽ linh hoạt hơn, mềm dẻo hơn và tránh được việc vi phạm các công ước quốc tế.

"Nếu đưa vào luật cứng công đoàn cơ sở bao nhiêu, cấp trên bao nhiêu sau này sẽ khó xử" – ông nói và khẳng định càng chi tiết trong luật thì sau này càng khó xử lý.

Cũng góp ý cho dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng tài sản là đất đai, cơ sở của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại các địa phương "là rất nhiều và đều nằm ở những vị trí đắc địa rất đẹp". Do vậy, việc sử dụng quỹ đất, tài sản công đoàn này cần được làm rõ hơn.

Với hai phương án đưa ra về quản lý tài chính công đoàn, theo ông Vũ Hồng Thanh, cơ quan soạn thảo cần căn cứ vào thực tiễn với tinh thần nguyên tắc cái gì đã chín đã rõ thì quy định trong luật, cái gì chưa rõ thì giao Chính phủ quy định chi tiết để tránh vướng mắc trong thực tiễn.

 Đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH

Đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH

Chỉ một số ý kiến băn khoăn về phương án sử dụng kinh phí công đoàn

Đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội) nói quy định mức đóng 2% kinh phí công đoàn là kế thừa nguyên vẹn quy định hiện hành của Luật Công đoàn. “Chúng ta thấy có đủ căn cứ, đặc biệt là căn cứ chính trị vững chắc” - bà Mai nói.

Nữ đại biểu cho hay Nghị quyết 06 và Nghị quyết 02 của Trung ương đề ra yêu cầu trong tình hình mới của hoạt động công đoàn là tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để đảm bảo hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đồng thời thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại các doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Cũng theo bà Mai, các hoạt động của công đoàn đang ngày càng mở rộng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người lao động. “Trong kỳ họp trước, Quốc hội đã thông qua quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong các chủ thể có thể tham gia xây dựng nhà ở xã hội để phục vụ công nhân lao động” - lời bà Mai.

“Tôi đề xuất tiếp tục giữ nguyên mức thu công đoàn phí là 2%”- nữ đại biểu kết luận.

 Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH

Còn đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) cho hay tại các cuộc họp bà tham dự, số có ý kiến khác về mức đóng 2% kinh phí công đoàn rất ít.

“Chỉ có 1-2 ý kiến đề nghị cân nhắc, còn lại đều tán thành giữ nguyên quy định 2% kinh phí công đoàn nộp như hiện nay. Ủy ban Xã hội thẩm tra và tán thành nội dung này. Chỉ có phương án sử dụng như thế nào với số kinh phí được để lại là có hai luồng ý kiến khác nhau” - bà Mai thông tin.

Theo đại biểu Thanh Mai, thực tế đi khảo sát cũng như tham gia thảo luận cho thấy vẫn còn ý kiến khác nhau và cũng không đồng tình nhiều với phương án giao Chính phủ quy định cụ thể.

“Tổng Liên đoàn Lao động là cơ quan trình dự thảo Luật và nếu có quy định thì phải quy định cụ thể trong luật luôn” - bà nhấn mạnh.

Khoản 2 Điều 30 dự thảo luật đề xuất hai phương án quy định tỉ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa các cấp công đoàn.

Phương án 1: “Tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ”.

Phương án 2: “Kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”…

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-can-thanh-tra-kiem-toan-viec-su-dung-2-kinh-phi-cong-doan-post794810.html
Zalo