Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Bộ Y tế đã xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã xử phạt 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với 7 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt gần 370 triệu đồng. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch, mạng xã hội...
Trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào hôm nay (5/5), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có báo cáo gửi Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước trong lĩnh vực y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Theo đó, về thực hiện lời hứa trong trong tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm hoạt động kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết căn cứ Kế hoạch năm 2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã ban hành Kế hoạch về thực hiện công tác hậu kiểm, trong đó tập trung kiểm tra nhóm mặt hàng thực phẩm chức năng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.
Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) cũng ban hành công văn chỉ đạo địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó chú trọng các nội dung vi phạm có diễn biến phức tạp như: tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, hàng chứa chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Cùng đó, mới đây, Bộ Y tế ban hành Công văn số 2021/BYT-ATTP về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành trong kiểm soát thực phẩm giả, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với thực phẩm chức năng.
Bộ Y tế cũng cho biết trong thời gian từ 01/01/2025 đến 14/4/2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã triển khai 6 đoàn kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm.
Hiện nay, Bộ Y tế đang chuẩn bị triển khai đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 tại TP Hồ Chí Minh, Bình Phước...
Từ ngày 1/1 - 14/4/2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với 7 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt gần 370 triệu đồng.
Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch, mạng xã hội; phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai cụ thể các giải pháp nhằm phối hợp xử lý tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông.
Ngoài ra sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời cảnh báo thực phẩm không bảo đảm an toàn, công khai cơ sở vi phạm để người dân biết.
Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng khi sử dụng thực phẩm chức năng, bảo đảm an toàn. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng nội dung đã được xác nhận hoặc nội dung chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu sửa Luật Quảng cáo để tăng cường quản lý quảng cáo sản phẩm liên quan đến sức khỏe.
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên website (xử phạt vi phạm, cảnh báo thực phẩm chức năng, hướng dẫn phòng ngộ độc, thu hồi sản phẩm, kế hoạch kiểm tra), cập nhật văn bản pháp luật và lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo sửa Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Phối hợp báo chí đăng các tin bài về quản lý an toàn thực phẩm trên các báo đài...
Cùng đó, Bộ Y tế đã tiếp nhận, trả lời báo chí, rà soát quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, website, ban hành các công văn chuyển cơ quan chức năng xử lý các vi phạm liên quan...