Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về tổ chức bộ máy cấp xã sau sáp nhập

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết nếu tổ chức các phòng, ban chuyên môn ở cấp xã, số lãnh đạo dự kiến lên tới 1/3 tổng biên chế.

Ngày 28-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về tổ chức bộ máy cấp xã sau sáp nhập. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về tổ chức bộ máy cấp xã sau sáp nhập. Ảnh: Hồ Long

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh lần sửa đổi này nhằm phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền cấp tỉnh, thành phố và cấp xã (xã, phường, đặc khu ở hải đảo), đồng thời khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp.

Việc sửa đổi luật còn hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy hành chính, bỏ cấp trung gian không cần thiết, đảm bảo hoạt động thống nhất, thông suốt từ Trung ương tới cấp xã; xây dựng chính quyền gần dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu thực tế của người dân.

Theo dự thảo, chính quyền cấp tỉnh và cấp xã sẽ đều tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND).

Quy định mới cũng đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, giao nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương. Đáng chú ý, cấp xã sẽ thực hiện cả nhiệm vụ hiện nay của cấp huyện và xã; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của mình.

Về tổ chức bộ máy, HĐND cấp xã sẽ có hai Ban: Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. UBND cấp xã có thể tổ chức các cơ quan chuyên môn hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn, phù hợp với quy mô của từng đơn vị hành chính cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.

Sau khi các đại biểu thảo luận, giải trình nội dung liên quan quy định tổ chức cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương cấp xã, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết khi xây dựng đề án, Bộ Nội vụ không tính theo cách sắp xếp cơ quan chuyên môn mà tính luôn theo vị trí việc làm.

Hiện, mỗi xã trung bình có 21 cán bộ, công chức với 17 vị trí việc làm. Định hướng điều chỉnh tăng lên 23 vị trí để thuận tiện vận hành, đồng thời giảm số lượng lãnh đạo.

Tuy nhiên, nếu tổ chức thêm các phòng, ban chuyên môn, số lượng lãnh đạo sẽ tăng mạnh, chiếm hơn 1/3 tổng biên chế. Ví dụ, nếu bên Đảng tổ chức 3 phòng và bên chính quyền tổ chức 4 phòng và tương đương, sẽ có khoảng 7 phòng, dẫn đến có 14 vị trí lãnh đạo.

"Tóm lại, nếu cộng lại rất nhiều nên chúng tôi rất sốt ruột, báo cáo đề xuất Tổng Bí thư theo hướng không tổ chức phòng, ban chuyên môn, nhưng cũng rất khó vì cấp chính quyền hoàn chỉnh nên phải có tổ chức bộ máy" - bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất vận dụng theo hướng linh hoạt: Giao cho địa phương căn cứ quy mô phát triển, quy mô dân số và đặc thù để bố trí cơ quan chuyên môn và tương đương. Còn nếu bố trí theo vị trí việc làm, phải dựa vào hướng dẫn chi tiết của Chính phủ, nhưng phải phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để định hình bộ máy.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, nếu đã làm thì kiêm nhiệm một cách tuyệt đối, ví dụ bí thư kiêm chủ tịch HĐND, phó bí thư kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ, trưởng các ban HĐND kiêm trưởng các tổ chức đảng hoặc tổ chức chính trị - xã hội… để giảm bớt số lượng; và cũng không nhất thiết bố trí cấp phó của cơ quan chuyên môn.

"Chúng tôi đang tính trong quy định của Chính phủ sẽ định hình như vậy, sẽ rất linh hoạt để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phục vụ. Còn nếu lãnh đạo tầng nấc như thế này rất khó đáp ứng mục tiêu khẩn trương, cấp bách phục vụ người dân một cách hiệu quả và tốt nhất. Cuối cùng vẫn chỉ có mấy đồng chí công chức đứng ra giải quyết công việc của dân"- bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều, nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, sẽ có hiệu lực từ 1-7-2025.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bo-truong-bo-noi-vu-noi-ve-to-chuc-bo-may-cap-xa-sau-sap-nhap-196250428173637223.htm
Zalo