Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu 5 giải pháp xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Các giải pháp được Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu trong bài viết Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị 'tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả'.
Định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm vô cùng đúng đắn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có bài viết “Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị 'tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả' theo tinh thần định hướng của đồng chí GS. TS. Tổng Bí thư Tô Lâm”.
Trong bài viết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực tiễn công cuộc đổi mới những năm qua cho thấy, hệ thống chính trị nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Có thể khẳng định, việc không ngừng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn trong suốt chặng đường gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà mới có bài viết “Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ‘tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả’ theo tinh thần định hướng của đồng chí GS. TS. Tổng Bí thư Tô Lâm”. Ảnh: Tổ chức nhà nước
Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong những nội dung trọng tâm của quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Nghị quyết số 06-NQ/HNTW, ngày 29/3/1989, Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, về kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới và các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đồng chí GS. TS. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, trong đó nhấn mạnh cần khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với một số nhiệm vụ trọng tâm như Xây dựng, tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm vô cùng đúng đắn, tạo nên thay đổi về chất mang tính đột phá nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Giải pháp thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Cũng trong bài viết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của đồng chí GS. TS. Tổng Bí thư Tô Lâm, cần chú trọng thực hiện tốt các giải pháp cụ thể sau.
Thứ nhất, nghiêm túc quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Những tư tưởng chỉ đạo trên phải được quán triệt đầy đủ, sâu rộng trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội.
Việc triển khai thực hiện phải luôn bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ Đảng và các văn kiện của Đảng trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong hệ thống Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về mô hình tổ chức bộ máy mới. Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức. Chính vì vậy, cần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật nhằm bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị trong thực tiễn. Rà soát toàn bộ hệ thống quy định, văn bản liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản phát triển; huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Thứ tư, sắp xếp tổ chức bộ máy chắc chắn sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, do đó, phải thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng, chống việc lợi dụng chủ trương sắp xếp bộ máy để tiêu cực, tham nhũng. Xử lý nghiêm, kịp thời trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cơ quan, tổ chức. Phát huy và tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia công tác giám sát, kiểm tra việc xây dựng mô hình tổ chức bộ máy mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đem đến cho nước ta những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo thế và đà để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, kém hiệu quả, điều này đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt “cuộc cách mạng” nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.