Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin tiến trình giúp Lào có cảng biển riêng

Tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào năm 2025 diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) chiều 9/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu ra vấn đề giúp Lào có cảng biển riêng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam – Lào cho biết, năm 2024, vốn đăng ký đầu tư Việt Nam sang Lào là 191,1 triệu USD, tăng 62,1% so với năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực: Năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản, chế biến sâu... Tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 33,9% so với năm 2023, đặc biệt là Lào đã xuất siêu sang Việt Nam 732,7 triệu USD.

Năm 2024 cũng ghi dấu ấn với các nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành hai nước trong việc tập trung tháo gỡ về cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện một số dự án đầu tư quy mô lớn như: Dự án muối mỏ Kali; dự án khai thác và chế biến quặng Bô-xít và xây dựng nhà máy sản xuất A-lu-min; các dự án điện gió Trường Sơn, Savan1...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam – Lào.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam – Lào.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2025 là năm bứt phá để thực hiện thành công các nội dung đã đề ra trong Hiệp định hợp tác song phương hai nước giai đoạn 2021-2025, xây dựng định hướng hợp tác cho giai đoạn phát triển mới. Hai nước cần phải kiên định quan điểm nhất quán là càng khó khăn càng phải đoàn kết, gắn bó, bền chặt, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển trên tinh thần “Thúc đẩy cùng phát triển bền vững và thịnh vượng", “Cùng thắng”, “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào, tập trung các lĩnh vực như: Nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở các hồ chứa tại Lào hiệu quả cao gắn với chế biến để xuất khẩu; năng lượng, hướng tới năng lượng sạch, đặc biệt tại khu vực biên giới hai nước; khai thác khoáng sản chế biến sâu; du lịch sinh thái theo hướng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô lớn tại Lào.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị phía Lào ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai các dự án hợp tác dọc biên giới Việt Nam - Lào. Tham vấn hai bên xem xét các dự án hợp tác dọc biên giới hai nước cho doanh nghiệp nước thứ ba. Hai bên cần phối hợp tích cực để nghiên cứu khảo sát, xem xét khả năng xây dựng các cụm, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hoặc hình thức phù hợp về hợp tác thương mại và công nghiệp dọc tuyến biên giới nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Lào sang Việt Nam.

Nói về tiến trình giúp Lào "có biển, có cảng riêng", kết nội hệ thống đường bộ, đường sắt để mở cửa hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ hai nước đang tập trung tháo gỡ khó khăn, để huy động mọi nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng kết nối trọng điểm như: Dự án hợp tác đầu tư bến cảng 1,2,3 cảng Vũng Áng, dự án đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, dự án đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng.

Để tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các cơ quan của Lào ưu tiên các giải pháp đồng bộ ổn định kinh tế vĩ mô, điều kiện tiên quyết để thu để hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài; hoàn thiện các chính sách liên quan đến đầu tư, thuế, thương mại, tỷ lệ lao động, chính sách tín dụng… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai hoạt động và mở rộng các dự án.

Thế Đoàn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/bo-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-thong-tin-tien-trinh-giup-lao-co-cang-bien-rieng-20250109180220827.htm
Zalo