Bố trí nguồn lực hợp lý để giảm nghèo bền vững

Với chuẩn nghèo ngày càng cao thì công tác giảm nghèo đòi hỏi phải tăng cường các giải pháp tương ứng, phù hợp với thực tiễn. Huyện Năm Căn đã huy động tốt các nguồn lực xã hội, triển khai kịp thời các chính sách ưu đãi, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, cận nghèo.

Gia đình chị Nguyễn Thị Trinh, khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn, không đất ở, đất sản xuất, dựng chòi tạm ở mé sông để mưu sinh. Hằng ngày chị đi bán vé số, chồng chị thì bốc vác ở chợ, chỉ mong đủ tiền lo cho các con đang tuổi ăn, tuổi học. Gần đây chị được người thân cho nền nhà nhưng dành dụm mãi vẫn không đủ tiền cất nhà. Chị Trinh bộc bạch: “Tôi vừa được xét hỗ trợ 80 triệu đồng từ Quỹ Khí hậu xanh hỗ trợ cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển để cất nhà. Ðịa phương còn giúp gia đình tôi vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm vốn mua bán. Ðây là động lực rất lớn để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.

Chị Nguyễn Thị Trinh vui mừng bên căn nhà mới do Quỹ Khí hậu xanh hỗ trợ.

Chị Nguyễn Thị Trinh vui mừng bên căn nhà mới do Quỹ Khí hậu xanh hỗ trợ.

Công tác giảm nghèo ở huyện Năm Căn có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ông Phùng Trường Nguyên, Phó chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, cho biết: “Năm 2024, chỉ tiêu huyện giao cho thị trấn giảm 31 hộ nghèo, đã giảm được 37 hộ. Chúng tôi xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững thật sự chớ không chạy theo thành tích. Từ đó, từng thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo đều phụ trách hộ nghèo, phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, các đoàn thể phụ trách công tác giảm nghèo của khóm, để công tác giảm nghèo đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng”.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả. Như chị Thạch Kim Cương, khởi nghiệp từ tiệm may nhỏ ở thị trấn Năm Căn, chị được chính quyền địa phương tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến khích mở cơ sở may gia công. Cơ sở của chị Cương đi vào hoạt động 4 năm qua, hằng năm phối hợp đào tạo khoảng 30 lao động địa phương, nhiều chị thành thạo nghề ở lại cơ sở làm việc. Chị Cương chia sẻ: “Hiện mỗi tháng cơ sở gia công từ 10-15 ngàn sản phẩm cho các công ty ở TP Hồ Chí Minh, Long An, Ðồng Nai... Lao động có mức lương ổn định từ 6-9 triệu đồng/tháng, giúp nhiều chị ổn định cuộc sống tại quê nhà”.

Cơ sở may gia công của chị Thạch Kim Cương giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương, giúp ổn định cuộc sống tại quê nhà.

Cơ sở may gia công của chị Thạch Kim Cương giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương, giúp ổn định cuộc sống tại quê nhà.

Nỗ lực giảm nghèo, huyện Năm Căn triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án, tiểu dự án, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện nay, huyện đã phê duyệt, giải ngân 13 dự án, gồm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chăn nuôi, trồng trọt...

Chị Phan Thị Cương, ấp Chống Mỹ A, xã Hàm Rồng, cho biết: “Gia đình tôi được hỗ trợ 200 con gà giống, 600 kg thức ăn cho gà. Tôi còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để gà phát triển tốt. Ðược hỗ trợ, gia đình tôi rất vui mừng”.

Ðược hỗ trợ gà giống và thức ăn từ dự án, gia đình chị Phan Thị Cương rất vui mừng, xem đây là động lực để gia đình vươn lên thoát nghèo.

Ðược hỗ trợ gà giống và thức ăn từ dự án, gia đình chị Phan Thị Cương rất vui mừng, xem đây là động lực để gia đình vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, huyện thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như hỗ trợ về giáo dục, y tế, tiền điện, quà... Ông Võ Văn Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn, chia sẻ: "Ðể thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch, hằng năm, Thường trực Huyện ủy phân công thủ trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể phụ trách từng địa bàn ấp, khóm và cụ thể cách thức giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực hợp lý, khuyến khích hộ nghèo tự ý thức vươn lên, không còn tâm lý trông chờ ỷ lại”./.

Mộng Thường - Hoàng Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bo-tri-nguon-luc-hop-ly-de-giam-ngheo-ben-vung-a36562.html
Zalo