'Bỏ tiền' xây thể chế

Nhà nước cần đầu tư xứng đáng, thực chất cho hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật để hoàn thiện thể chế, mở đường cho phát triển trong kỷ nguyên vươn mình.

Thỉnh thoảng tôi lại được các cơ quan, tổ chức, hiệp hội mời tham gia góp ý hoặc tham gia các hội thảo lấy ý kiến đối với các dự thảo văn bản pháp luật về hoạt động đầu tư kinh doanh.

Tham gia góp ý xây dựng văn bản pháp luật cũng giống như phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật - là những hoạt động thể hiện chức năng xã hội của luật sư. Những công việc này cũng đòi hỏi người tham gia phải dành rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu để có những đóng góp thực chất.

Bởi vậy, đôi khi thấy tôi ngồi nghiên cứu các hồ sơ, dự thảo văn bản pháp luật để góp ý, người thân xung quanh lại tỏ vẻ không hài lòng. Tôi còn đang trong giai đoạn xây dựng sự nghiệp; các con còn nhỏ, cần bố chăm sóc, dạy dỗ; mẹ tôi đã già yếu… Tóm lại, tôi có những lý do để ít dành thời gian “vác tù và hàng tổng” - chữ mà một số đồng nghiệp vẫn hay dùng.

Nhưng cũng có không ít lần trong công việc tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý cho các dự án, tôi va vào tình huống “xung đột pháp luật”, khi văn bản pháp luật này có quy định xung khắc với một văn bản khác và nếu làm đúng quy định tại văn bản này thì sẽ trái với văn bản khác, không thể tuân thủ cả hai. Tôi đem vấn đề đó chia sẻ với các đồng nghiệp, những chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực pháp lý đầu tư bất động sản.

Chúng tôi trao đổi, bình luận về các tình huống thực tiễn, sự bất cập trong một vài quy định của pháp luật và cùng chia sẻ sự tiếc nuối bởi đã có cơ hội tiếp xúc với các văn bản từ giai đoạn dự thảo. Nếu dành nhiều thời gian hơn, chúng tôi đã có thể phát hiện những lỗ hổng, những khoảng trống hoặc sự “xung đột”… trong các văn bản để góp ý cho cơ quan soạn thảo sửa lỗi.

Sự hạn chế về chất lượng của các văn bản pháp luật, việc các cơ quan liên tục phải sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản là một trong những yếu tố làm lãng phí nguồn lực và khiến môi trường đầu tư kinh doanh trở nên kém hấp dẫn hơn, đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài.

Với điều kiện phát triển kinh tế xã hội nước ta hiện nay, tôi vẫn ủng hộ việc các cơ quan thuộc khối hành pháp nên là chủ của những sáng kiến lập pháp bởi sự am hiểu thực tiễn thông qua hoạt động quản lý.

Như giáo sư Nguyễn Đăng Dung, một chuyên gia về luật hiến pháp đánh giá, hình thái thủa ban đầu về Chính phủ các quốc gia chỉ là “người lính gác” nhưng ngày nay đã tham gia ngày càng tích cực vào đời sống xã hội:“Chính phủ ngày nay không chỉ thụ động duy trì xã hội mà đã đổi thành người tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội”.

Tuy nhiên, vẫn cần phải nhấn mạnh rằng, không thể giao phó hoàn toàn hoạt động lập pháp, lập quy cho các cơ quan hành pháp. Nếu thiếu ý kiến góp ý, phản biện từ các chuyên gia, những đối tượng chịu sự tác động thì văn bản quy phạm pháp luật sẽ xa rời thực tiễn cuộc sống và thiếu đi tính khách quan, trung lập, những góc nhìn đa chiều.

Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh. Ảnh: Hoàng Anh.

Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh. Ảnh: Hoàng Anh.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đây là đạo luật vô cùng quan trọng bởi cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khơi thông nguồn lực phát triển của đất nước sẽ đặt ra yêu cầu phải sửa đổi hoặc xây dựng mới hàng trăm, hàng nghìn văn bản pháp luật, trong khi quy trình của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước đây không đáp ứng được yêu cầu cấp bách ấy.

Một mối lo ngại mới xuất hiện là tốc độ thường tỷ lệ nghịch với chất lượng văn bản. Để khắc phục, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sử dụng công cụ mới là “tham vấn chính sách” nhằm giúp cơ quan soạn thảo nhận diện và giải quyết những vấn đề tiềm ẩn trước khi các chính sách được ban hành.

Thông qua tham vấn chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân… sẽ chỉ ra những thiếu sót trong các dự thảo mà cơ quan soạn thảo có thể chưa nhận thấy, từ đó tiếp thu, chỉnh lý kịp thời.

Cần đầu tư xứng đáng cho việc xây dựng thể chế

“Đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển”, thông điệp ấy được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần từ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Trước đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đề ra 3 đột phá chiến lược mà đột phá số một là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển.... Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo".

Vậy nếu xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá số một đã được vạch ra thì tại sao Nhà nước không đầu tư xứng đáng, thực chất cho hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật?

Đâu đó trong các cơ quan quản lý hiện nay vẫn duy trì cách làm cũ là triển khai các “dự án sự nghiệp kinh tế” nặng hình thức, do các cán bộ, công chức tự thực hiện bằng tiền ngân sách (mà sản phẩm đa số dựa trên việc tổng hợp các tài liệu, báo cáo từ địa phương). Số tiền ấy hoàn toàn có thể sử dụng để thuê các chuyên gia hàng đầu.

Ở đây là một quan hệ kinh tế, các chuyên gia được thuê để thực hiện công việc rà soát các dự thảo văn bản pháp luật, mang tính chất một hợp đồng song vụ mà hai bên đều có quyền - nghĩa vụ với nhau.

Và sẽ là lý tưởng nếu Nhà nước trả thù lao cho chuyên gia theo mức cạnh tranh so với mức mà các doanh nghiệp có thể trả; thậm chí tổ chức đấu giá, đấu thầu để chọn các chuyên gia có chất lượng tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật.

Như vậy, các chuyên gia được thuê sẽ liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng của văn bản. Nếu quá trình tổ chức thực thi phát sinh vướng mắc, chuyên gia phải hoàn trả lại một phần hoặc toàn bộ số thù lao đã nhận, thậm chí còn có thể chịu phạt hợp đồng.

Nó khác hoàn toàn cách làm hiện nay, các chuyên gia được đề nghị góp ý vào các dự thảo mà công việc ấy được thực hiện một cách nặng về hình thức, đôi khi chỉ để có đủ thành phần hồ sơ để trình và thuyết phục người có thẩm quyền yên tâm ký ban hành văn bản pháp luật.

Thiết nghĩ, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã và đang tổ chức thực hiện những công việc chưa từng có tiền lệ như bỏ 100% số đơn vị hành chính cấp huyện, dự kiến giảm 50% đơn vị hành chính cấp tỉnh và 80% đơn vị hành chính cấp xã, cho hơn 10 vạn cán bộ, công chức nghỉ việc…

Vậy thì tại sao không thử nghiệm những cách làm mới như trả 10 triệu đồng/giờ cho một chuyên gia - tương đương thù lao mà doanh nghiệp trả cho một luật sư hàng đầu - để cùng xây dựng “ngôi nhà pháp luật”.

Khoản đầu tư ấy tưởng đắt đỏ nhưng chắc chắn là rất rẻ so với việc một luật, một nghị định mới ban hành 1 - 2 năm đã phải đem ra sửa chữa những mâu thuẫn, chồng chéo, những quy định xa rời thực tiễn, thậm chí có những văn bản được đem ra sửa khi còn chưa có hiệu lực thi hành - hiện tượng không hề hiếm gặp thời gian qua, gây nơm nớp lo âu cho người dân, doanh nghiệp.

LS. Nguyễn Văn Đỉnh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/bo-tien-xay-the-che-d39872.html
Zalo